Quốc hội Việt Nam: Nhiều dấu ấn mang tính lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 16:46, 01/01/2019
Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Công tác xây dựng pháp luật tại mỗi kỳ họp Quốc hội được xem là nội dung trọng tâm, chiếm tới gần 2/3 thời gian của kỳ họp với việc xem xét, thông qua các dự án luật, các dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về dự án luật khác. Những dự án, dự thảo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Năm 2018, Quốc hội có nhiều nỗ lực và hoàn thành được khối lượng công việc được coi là lớn nhất từ trước tới nay trong công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật. Qua 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6 của năm, Quốc hội đã đưa ra bàn thảo, xem xét và quyết định thông qua 16 luật và cho ý kiến về 15 dự án luật khác. Trong đó có nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua như Luật An ninh mạng, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch...
Các dự án luật thông qua tại kỳ họp đã được các ĐBQH thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Thậm chí có những dự án Luật đã có sự tranh luận quyết liệt, cân nhắc kỹ càng một cách tâm huyết cuối cùng vẫn phải lùi, bàn bạc vào các kỳ họp sau.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV - Một kỳ họp đặc biệt để lại nhiều dấu ấn
Quốc hội cũng đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua các nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Quyết định vấn đề nhân sự lãnh đạo đất nước
Việc quyết định nhân sự Chủ tịch nước là một trong những sự kiện hệ trọng, mang tính lịch sử Quốc hội đã thực hiện trong năm 2018. Quyết định dựa trên việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Việc bầu cử đã được Quốc hội tiến hành hết sức cẩn trọng, công tâm và khách quan theo đúng quy trình thủ tục. Kết quả, với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đắc cử Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc Quốc hội quyết định nhân sự ở vị trí lãnh đạo đất nước có tác động lớn đến cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị đều xuất phát từ yêu cầu hoàn toàn khách quan, căn cứ vững chắc là Hiến pháp, thuận theo ý Đảng và lòng dân, hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại. Điều này được minh chứng rõ nét trong lịch sử phát triển của thế giới, các nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa, cũng như ở một số nước như Singapore, Nhật Bản, Campuchia, hay nhiều nước ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới thì việc người giữ chức vụ của Đảng cầm quyền đồng thời giữ chức vụ Nhà nước được coi là cách thức tổ chức mang tính phổ biến, nhằm vừa củng cố vị thế của Đảng chính trị cầm quyền, vừa tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước...
Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV
Ở Việt Nam, Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước trên thực tế được coi là thay đổi lớn đối với hệ thống chính trị Việt Nam tại thời điểm này. Tuy nhiên, tại thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng và từ tháng 2/1951 là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến khi Người qua đời (2/9/1969).
Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước không ngừng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống chính trị, vấn đề Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã có một số lần được đặt ra nhưng chưa có đủ điều kiện cần thiết. Đến nay những điều kiện về vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền và xây dựng, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã chín muồi và đồng thuận trong Đảng, trong lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV sự kiện này đã trở thành thời khắc của lịch sử và Quốc hội Việt Nam đã là tổ chức quyết định thời khắc đó dựa trên chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước cũng đồng thuận rằng, đây là sự lựa chọn của lịch sử, là sự kiện trọng đại của đất nước không chỉ phù hợp xu thế thời đại mà còn hoà quyện ý Đảng với lòng dân.
Theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế và là "việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân rất hoan nghênh”. Ở góc độ là cơ quan lập pháp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, đây là sự kiện đặc biệt hệ trọng khi lần đầu tiên Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước.
Thực hiện quyền giám sát một cách hiệu quả
Năm qua, Quốc hội cũng đã tăng cường chức năng giám sát một cách hiệu quả, thể hiện qua công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cùng các đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín, đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sáng ngày 25/10/2018
Một trong những biểu hiện rõ nét trong hoạt động giám sát là hoạt động chất vấn Quốc hội đã có sự thay đổi đáng kể cả về lượng và chất so với các kỳ, các khoá Quốc hội trước. Tại kỳ họp thứ 6 - kỳ họp gần đây nhất của Quốc hội, với cách thức tổ chức và diện chất vấn rộng tạo ra sự tranh luận tích cực giữa người chất vấn và người được chất vấn, chỉ tính trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn, hàng trăm lượt câu hỏi đã được các ĐBQH đặt ra cho các thành viên Chính phủ. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội thực sự sôi động bởi có thêm phần tranh luận giữa các đại biểu. Về phía người trả lời cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi trả lời những vấn đề đang được cử tri quan tâm theo dõi ở ngành mình.
Hầu hết các đại biểu đánh giá cao chất lượng hoạt động chất vấn, đã đáp ứng được những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Hồng, ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ: "Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội tổ chức phiên chất vấn theo hình thức mới. Việc chất vấn như một cuộc thi mà các Bộ trưởng, các Trưởng ngành không có đáp án trước. Việc chất vấn này thể hiện là các Bộ trưởng có nắm bắt được vấn đề thuộc trách nhiệm và lĩnh vực mình phụ trách hay không. Qua các buổi chất vấn, tôi thấy các Bộ trường nắm bắt rất rõ vấn đề và trả lời đúng vào nội dung được chất vấn. Thời gian tới, Quốc hội cần đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục duy trì các phiên chất vấn theo hình thức mới này".
Đặc biệt vai trò điều hành linh hoạt, hài hòa, khách quan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nổi bật trong các phiên chất vấn. ĐBQH Dương Minh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Tôi cho rằng mỗi kỳ họp đều có một sự tiến bộ và sáng tạo riêng. Đặc biệt đối với kỳ họp thứ 6 vừa qua, các hoạt động chất vấn của các Bộ trưởng chưa biết khi nào mình sẽ phải trả lời, cho nên các Bộ trưởng đã chuẩn bị khá kỹ và chu đáo. Tôi tâm đắc nhất với cách điều hành của chủ tọa, rất linh hoạt và sáng tạo. Trong kỳ họp diễn ra có một số nội dung rất nóng, đặc biệt có sự tranh luận giữa các Đại biểu và các Bộ, ngành, cũng như các vấn đề trao đổi lại của các Đại biểu. Tuy nhiên chủ tọa đã rất linh hoạt trong cách xử lý để các phiên họp đạt được thành công, hoàn thành đúng thời gian cũng như đạt yêu cầu của phiên chất vấn”.
Một trong những hoạt động nổi bật trong việc tham gia giám sát của Quốc hội trong năm qua là việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trên tinh thần đó, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong 48 người lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV có 14 vị đã từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (2013) và 15 vị vào lần thứ hai (2014). Khẳng định tính khách quan nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cả quá trình công tác, nhiệm vụ được giao, kết quả hoàn thành, trong đó có cả việc tham khảo ý kiến của nhân dân.