3 kịch bản CPI với giá xăng dầu

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:36, 06/04/2019

Theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau.

Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính chiều 5/4, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết thời gian gần đây giá xăng dầu thế giới diễn biến bất ổn với xu hướng tăng. Trước diễn biến này, các kịch bản điều hành giá năm 2019 xác định giá xăng dầu là yếu tố quan trọng, gắn kịch bản điều hành giá đúng mục tiêu kìm lạm phát nằm trong vùng 4%. Việc xây dựng kịch bản giá cũng phải bám sát với mục tiêu trên.

3 kịch bản CPI với giá xăng dầu

Giá xăng dầu tăng mạnh trong kỳ điều hành 2/4 vừa qua

Ông Đặng Công Khôi thông tin cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau, qua đó kiểm soát lạm phát dưới 4%.với giá xăng dầu.

Một là giả thiết giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%, CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Kịch bản thứ hai là giá xăng dầu thế giới tăng 10% thì CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%. Với kịch bản cuối cùng, giá xăng, dầu thế giới tăng 15% có thể sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8-3,9%.

Ông Đặng Công Khôi nêu rõ 3 kịch bản trên đã được cơ quan chức năng báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, ứng với từng thời kỳ sẽ có kịch bản chi tiết.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã lý giải về việc giá xăng tăng mạnh trong kỳ điều hành hôm 2/4. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng.

Theo ông Hải, cần phải quay lại kỳ điều hành trước đó (18/3), phải sử dụng Quỹ bình ổn tới hơn 2.000 đồng cho một lít xăng RON95 và hơn 2.800 đồng cho 1 lít xăng E5 RON92 để giữ bình ổn giá.

“Vừa rồi, thuế bình quân gia quyền giảm, mặt hàng dầu diesel giảm 0,27% nhưng giá xăng, dầu vẫn tăng bởi tại kỳ điều hành 15 ngày trước đó (18/3), Quỹ Bình ổn đã chi rất nhiều cho các mặt hàng xăng, dầu. Bởi chúng tôi không muốn ngày 20/3 tăng giá điện mà ngày 18/3 tăng giá xăng, dầu. Việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn ở mức cao để tránh tác động kép tới người dân. Chính vì thế, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã trực tiếp báo cáo lên Chính phủ không tăng giá xăng, dầu trong ngày 18/3”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá mặt hàng xăng dầu hiện nay là một trong số ít những mặt hàng thiết yếu đang tiến dần đến điều hành theo cơ chế thị trường. Chúng ta có 28 đầu mối trực tiếp nhập khẩu xăng dầu (hiện đang xem xét tăng thêm) và điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ đã có công thức tính giá rõ ràng, lấy giá bình quân 15 ngày theo mức giá nhập khẩu tại sàn Singapore “lắp” vào công thức và đưa ra giá bán.

Về thông tin chi sử dụng quá nhiều từ Quỹ Bình ổn xăng dầu trong thời gian gần đây khiến một số doanh nghiệp đầu mối “âm Quỹ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích là trên thực tế, mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam đều tự động trích 300 đồng/lít để đưa vào Quỹ BOG và quỹ này nằm ở chính các doanh nghiệp. Hiện chúng ta có 28 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, có những doanh nghiệp lâu năm và cũng có những doanh nghiệp mới nên việc tích luỹ Quỹ BOG không giống nhau. Khi được lệnh “xả” Quỹ để bình ổn thì có những doanh nghiệp tích luỹ thấp sẽ bị “âm quỹ”.

 “Bộ Công Thương cũng đã báo cáo lên Chính phủ về việc 9/28 doanh nghiệp “âm quỹ”, phân tích rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cân đối trong thời gian tới”, Thứ trưởng thông tin thêm.

Về việc điều hành giá xăng dầu thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ bám sát tình hình thực tế của thị trường, trên cơ sở Nghị định 83 của Chính phủ cũng như khả năng cung cấp của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bởi vừa rồi nhà máy này đã gặp sự cố ảnh hưởng đến khả năng cung cấp xăng, dầu.

Lan Trần