Hà Nội lần đầu lọt top 10 trong bảng xếp hạng PCI 2018

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:33, 28/03/2019

Top 10 bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cả nước lần đầu tiên có sự góp mặt của Hà Nội (65,39 điểm).

Sáng 28/3, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018.

Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; và  Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

Lần thứ 14 liên tiếp được công bố, báo cáo PCI 2018 được Ban tổ chức nhấn mạnh là tập hợp tiếng nói của đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Hà Nội lần đầu lọt top 10 trong bảng xếp hạng PCI 2018

Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động tại 20 địa phương, cung cấp góc nhìn đa dạng về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Báo cáo PCI 2018 cũng phân tích về ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam trước những biến động lớn của thương mại quốc tế, dành một chương riêng phân tích về thực trạng và lý giải nguyên nhân khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng PCI 2018, ở vị trí dẫn đầu, Quảng Ninh đạt 70,36 điểm trên thang điểm 100, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An 68,09 điểm, Bến Tre 67,67 điểm.

Các tỉnh thành tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và Tp.HCM. Sau nhiều năm, Hà Nội đã nằm trong top 10 với 65,40 điểm. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đây là vị trí cao nhất của Hà Nội trong các năm qua và cho thấy Hà Nội đã có bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.

Kết quả khảo sát cho thấy 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%).

Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó, xuống còn 5% trong năm vừa qua. Năm 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở các cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải tỏa khá hiệu quả (Nhân dân, 2019) .

Kết quả điều tra cho thấy, 67% doanh nghiệp cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%); 87% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017).

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, điều tra PCI 2018 cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng phản ánh đang gặp khó khăn trong hoạt động. Do vậy, vai trò của các cấp chính quyền ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Lan Trần