BHXH Việt Nam: 6 nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính năm 2019
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:19, 14/03/2019
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất và ý thức về hành chính phục vụ, nêu cao tinh thần “nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” của đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân và doanh nghiệp… là những nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành BHXH năm 2019.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực của Ngành; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về TTHC, không gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm soát TTHC, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện và dễ dàng tiếp cận. Cập nhật các TTHC mới ban hành và xoá bỏ các TTHC đã hết hiệu lực theo đúng quy định.
Công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được duy trì, thực hiện hiệu quả thông qua bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH; Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp nhận, kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH, đảm bảo việc thực hiện các quy định hành chính được công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống; tiếp tục triển khai Đề án “Nghiên cứu xây dựng, thành lập và triển khai mô hình tổ chức hỗ trợ, tư vấn giải đáp về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH”; tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thứ ba, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về hành chính phục vụ; thực hiện nghiêm quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm công chức, viên chức; công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ hằng năm; thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế trong toàn Ngành đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đội ngũ cán bộ, viên chức trong Ngành nghiêm túc thực hiện các văn bản, quy định của Ngành về kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức.
Thứ tư, thực hiện CCHC mạnh mẽ trong các công tác chi trả BHXH; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương, tiền công; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị trực thuộc. Trong đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH…; tiếp tục phối hợp với Bưu điện kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong công tác chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; đồng thời, thí điểm phương án ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện.
Thứ năm, BHXH Việt Nam tiếp tục hiện đại hoá hành chính thông qua việc tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH. Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm qua, khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Dịch vụ SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; thiết lập Fanpage truyền thông trên mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên mức độ 4, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại.
Thứ sáu, xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; tăng cường kiểm tra thực hiện CCHC, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong Ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Để thực hiện tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm trên, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của mình để thực hiện triển khai hiệu quả công tác CCHC, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.