Không có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 20:28, 22/01/2019
Báo cáo tại buổi họp báo chuyên đề tháng 1/2019 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, TS Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian vẫn còn có những diễn biến phức tạp.
Trên tuyến đường bộ, tại các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Tây Ninh, Đồng Tháp…hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện gia dụng, dược liệu, thuốc lá…
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, hàng hóa vi phạm thường là hàng gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, rượu ngoại, xì gà…Đáng chú ý sau khi hãng Apple giới thiệu sản phẩm năm 2018, các đối tượng đã buôn lậu mặt hàng này với số lượng lớn như vụ lực lượng Hải quan phát hiện thu giữ gần 1.200 điện thoại qua sân bay Nội Bài, hơn 200 điện thoại qua sân bay Tân Sơn Nhất…
Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 cũng thông tin tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế trọng điểm như cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu…hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, chủ yếu lợi dụng bất cập trong chế độ chính sách, các ưu đãi về thuế, tiêu chuẩn hàng hóa và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến ma túy, động vật hoang dã…và đáng chú ý là vi phạm về nhập khẩu phế liệu
Tại vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam Bộ, các đối tượng buôn lậu xăng dầu hoạt động mạnh. Một số đối tượng còn cải hoán tàu đánh cá xa bờ thành tàu chở dầu nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Năm 2018, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ, có vụ thu giữ gần 5 triệu lít dầu DO trị giá trên 57 tỷ đồng.
Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với nhiều mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa tiêu dùng…Hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng qua mạng internet chưa được kiểm soát hiệu quả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
TS Đàm Thanh Thế thông tin, năm 2018, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều kế hoạch để chỉ đạo toàn diện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Nhờ những chỉ đạo kịp thời và quyết liệt, năm 2018, theo thống kê sơ bộ, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ xử lý hơn 202 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng; khởi tố 1.979 vụ, 2.339 đối tượng.
“Những kết quả nêu trên đã tạo điểu kiện cho phát triển kinh tế để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, TS Đàm Thanh Thế nói.
Tuy nhiên, ông Thế cũng cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn có những diễn biến phức tạp. Do đó, trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2019, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia định hướng một số công tác trọng tâm. Thứ nhất là công tác tham mưu, BCĐ 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nắm chắc tình hình cả về chiều rộng và chiều sâu, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo có hiệu quả, nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Năm 2019, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo BCĐ 389 Bộ, ngành đia phương thực hiện các kế hoạch chuyên đề về tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ; Kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía Bắc; Kế hoạch chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ…
Năm nay BCĐ 389 Quốc gia cũng tiếp tục kiện toàn bộ máy và sẽ nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xác định trách nhiệm với tập thể, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. “Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm”, TS Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.