Cải cách môi trường kinh doanh: Thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của DN

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:20, 27/11/2018

Qua khảo sát của VCCI, nhìn chung các doanh nghiệp đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Cải thiện điều kiện kinh doanh chưa đồng đều

Cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các bộ trong Nghị quyết 19. Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp do VCCI công bố mới đây, việc thực hiện nhiệm vụ này ở các bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận nhưng thiếu đồng đều.

VCCI cho biết đã tổ chức khảo sát khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19. Theo đó, phiếu khảo sát đưa ra câu hỏi cho doanh nghiệp: Doanh nghiệp có nhận thấy sự cải thiện trong 11 lĩnh vực được liệt kê (10 lĩnh vực của Nghị quyết 19; trong đó lĩnh vực thuế được chia thành thủ tục hành chính thuế và bảo hiểm xã hội).

Kết quả, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.

Kết quả trung bình cộng cảm nhận của doanh nghiệp về 11 lĩnh vực được khảo sát có thể cung cấp một thước đo sơ bộ về nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 tại các địa phương.Theo đó, một số tình thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao như: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cải cách môi trường kinh doanh: Thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của DN

Ảnh minh họa

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các cơ quan trung ương trong cắt giảm điều kiện kinh doanh. Theo khảo sát, mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau cùng một bộ. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục, Giao thông vận tải, Nông nghiệp...

Mặc dù hầu hết các bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ, các tác giả báo cáo nhận định.

Từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành, và hơn 2 năm kể từ Nghị quyết 35 cho thấy đã đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy giữa các bộ ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó. Chủ tịch VCCI cho rằng thời gian qua, bộ ngành nào người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực thì việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ.

Theo báo cáo của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa. Do đó, rất cần có những đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm này.

“Suy cho cùng thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi chính hiệu ứng thực tiễn, tác động thực tiễn mới là tiêu chuẩn cuối cùng và quan trọng nhất để đánh giá chương trình cải cách hay lĩnh vực cải cách có thực sự thành công hay không”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các bộ trong Nghị quyết 19. Việc thực hiện nhiệm vụ này ở các bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Đối với một số cơ quan, Nghị quyết 19 lần đầu tiên đặt chất lượng điều hành tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với thế giới. Điều này tác động mạnh mẽ về nhận thức của nhiều lãnh đạo, cán bộ các cơ quan nhà nước về trách nhiệm cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia. Hơn nữa, nghị quyết 19 đặt mục tiêu định lượng và có tính so sánh với các nước ASEAN giúp tạo áp lực cải cách cho các cơ quan nhà nước và việc cải cách phải thực chất hơn. Nghị quyết 19 cũng đóng vai trò động lực để đẩy nhanh quá trình cải cách, giảm bớt lực cản để đạt được thành công.

Trong khi đó, Nghị quyết 35 tiếp tục hướng sự quan tâm của các cấp chính quyền đến vai trò và sự phát triển của các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Nhà nước lúc này thay vì chỉ đạo trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh, chuyển sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ để các doanh nghiệp dân doanh phát triển.Nghị quyết 35 cũng giúp tạo lập cơ chế phối hợp tổng thể trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tránh tình trạng xé lẻ, manh mún như trước đây.

Lan Trần