Chuyện đời một công trình kỷ lục

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:14, 08/11/2018

Hình như, cứ chạm tới Fansipan, con người và vạn vật đều trở nên bản lĩnh hơn.

Hình như, cứ chạm tới Fansipan, con người và vạn vật đều trở nên bản lĩnh hơn. 

Tôi đã nhìn thấy bản năng ấy, trong những gốc đỗ quyên già sần sùi, mốc thếch màu thời gian được giữ nguyên vẹn trên khu vực đỉnh thiêng Fansipan, ngạo nghễ trên những lối đi men theo sườn núi, bất chấp băng giá. Tôi cũng đã mường tượng được thế nào là băng rừng kéo cáp lên đỉnh trời, qua chuyến đi cùng những “chiến binh” đã làm nên tuyến cáp treo ấy, trong một lần thăm lại “chiến trường xưa”.

“Đã lâu lắm rồi, từ ngày khai trương cáp treo, giờ chúng em mới quay lại con đường mình đã đi, sống lại những ngày xưa ấy”, Trần Đình Luật, một trong những kỹ sư tham gia xây dựng công trình cáp treo Fansipan, vừa lách qua những vách đá dựng đứng mà chỉ cần sẩy chân là có thể mất mạng giữa núi rừng Hoàng Liên sâu thẳm kia, vừa kể.

Chuyện đời một công trình kỷ lục

Những ký ức của những ngày xây dựng tuyến cáp treo Fansipan đến giờ vẫn còn nguyên vẹn

Trước mắt tôi, trên những lối mòn trong rừng thẳm chỉ một người có thể lách được, hai bên là cây rừng rậm rạp với cư dân quen thuộc là rắn lục, hổ mang…, hiện lên những bóng người vác từng bao xi măng, từng phiến đá lên núi… Những đoạn vách dựng đứng, đầu gối chạm ngực, chúng tôi thở dốc, còn các “chiến binh” Fansipan cứ “phóc, phóc” leo như sóc.

“Tụi em quen rồi. Leo Fan đi về trong ngày ấy chứ”, Má A Tông, cậu chàng người Mông gắn bó với công trình cáp treo từ những ngày đầu nói, “Ngày đầu tiên, em được giao vác một bao xi măng từ chân lên khu vực xây trụ T3 (độ cao khoảng 1800 mét). Đến nơi, kiệt sức…”.

“Không có cách nào, máy móc chẳng hạn?” tôi hỏi. “Không chị, trước khi có cáp công vụ, phải đi đường rừng, phải vác, vì không được chặt hạ cây cối, đưa máy móc vào. Quy định, nguyên tắc của Tập đoàn rồi. Chưa kể, đói mấy cũng không được săn bắt chim, thú rừng ăn thịt… Có những ngày đói, thức ăn dưới núi không gùi lên được, mùa chim di cư nhiều vô kể, vẫn mỳ tôm sống, cá khô thôi. Chỉ cần Ban kiểm soát của Tập đoàn phát hiện, cứ một cái cây bị chặt là phạt 5 triệu, 1 con chim bị bắt cũng… 5 triệu”, Luật trả lời. Tôi với tay hái chùm thảo quả đỏ rực bên lối đi, Luật ngăn: “Đừng chị, người dân họ biết, mang tiếng. Thảo quả là nguồn sống của họ”.

Bữa tối trong cái lán nhỏ ở trụ T2, chúng tôi được anh em trông trụ thết một bữa cơm “chuẩn style” Fansipan. Không có mâm, anh em chặt lá chuối, bày biện thức ăn. Không có đũa, vót mấy cành trúc là xong cả chục đôi… Trong câu chuyện bên mâm cơm giữa rừng, có hồi ức về những ngày ngủ đứng tại những lán trại dựng tạm trong từng, ăn thứ cơm nửa sống nửa chín với món cá khô mà “đến giờ, em chỉ cần ngửi thấy mùi cá ấy là sợ”, Luật kể.

Chuyện đời một công trình kỷ lục

Những hồi ức gian khổ vẫn còn nguyên vẹn trong lòng những người xây dựng nên cáp treo Fansipan

Khi chúng tôi được tắm bằng nước nóng từ cái bình nóng lạnh trong căn lán có thể nói là “tiện nghi” theo cách nói của Luật, thì ngày ấy, các chiến binh Fansipan còn không đủ dũng cảm để cởi lớp quần áo cáu bẩn ra khỏi người. Giá lạnh, nước như đá, tắm sao?.

Suối ở xa, điện không có, tận dụng địa hình để dẫn nước từ trên xuống thì đường ống lại thường xuyên bị đóng băng. Muốn có chút nước để nấu ăn còn khó, huống hồ tắm. Bởi vậy, tắm là khái niệm bị lãng quên ở đây. Thậm chí, anh Trần Công Mỹ, một trong 5 người đầu tiên có mặt ở đây, còn kể: "Khoảng 2 tháng, em xuống núi 1 lần. Khi đi taxi, tài xế phải hạ cửa xuống vì người em bốc mùi nồng nặc. Mình còn không chịu nổi nữa là người ngoài".

Những ký ức ấy rùng mình ấy không bao giờ có thể kể hết trong vài trang giấy. Mỗi người họ tự giữ cho riêng mình, như một kỳ tích trong đời.
“Giờ nếu hỏi vì sao ngày ấy có thể bám trụ được ở Fansipan, chắc em cũng chịu. Chỉ biết mình phải làm, để có một công trình cáp treo lên đỉnh. Giờ cho làm lại, chắc em cũng xin hàng”, Luật hài hước.

Bình minh lên, lại leo rừng, đi tuyến. Càng lên cao càng dốc đứng, trơn trượt. Cứ cắm mặt mà đi, vì nhìn lại sẽ thấy hoảng loạn, khi phía sau sâu thẳm, âm u. Không bám đoàn, nhiều ngã rẽ sẽ dẫn người ta đi đâu không biết nữa.

“Nhiều cậu trai lạc trong rừng, khóc tu tu gọi người cứu viện trong đêm. Đôi khi, đèn pin cũng hết điện, cố bám lấy chút ánh sáng le lói từ cái điện thoại gần hết pin, chạy thục mạng cho kịp ra khỏi rừng”, anh Bùi Đức Dũng, giờ là Trưởng phòng an ninh Sun World Fansipan Legend kể.

Những câu chuyện chắp nối, đứt quãng, bởi chúng tôi còn bận bám lối đi đã từ lâu không ai qua lại. Nhưng ít nhiều, chúng cũng giúp tôi phần nào hình dung được cái thời mà chỉ cần một người nghĩ tới chuyện bỏ cuộc, cả trăm người khác sẽ nản chí bỏ rừng về thị trấn.

Chuyện đời một công trình kỷ lục

Băng tuyết với những người trồng hoa ở Fansipan là nỗi khiếp sợ

Vậy mà họ đã vượt qua, đã làm nên một tuyến cáp nối hai đầu cảm xúc, đưa du khách phiêu lưu trong những ngạc nhiên, trước thung lũng lúa vàng đẹp như tranh vẽ, những vạt rừng trập trùng xanh thẳm thi thoảng bật lên những chòm hoa đủ màu không mấy ai có thể gọi tên.

Chân trụ T3, gió lồng lộng. Cabin cáp treo lướt qua trên đầu.

“Để ý dưới chân các bạn nhé, đừng giẫm vào cây hoa” - Lục Thanh Chiến - một cựu binh của Fansipan ngày ấy nhắc, “mỗi cây hoa trồng được ở chân trụ này không dễ đâu, phải đưa từng bao đất, phân bón lên đấy…”. Nhân viên bảo vệ trụ cáp ngủ lại lán trong rừng và kiêm luôn việc tưới tắm để những khóm cây hoa ấy có thể bám trụ được ở cái nơi mà trời chưa kịp tối, sương đã phủ trắng trên ngọn cây.

Tôi nhớ lúc ở Ga đi cáp treo, thấy ngợp ngời hoa, hỏi cậu nhân viên rằng: hoa ở đây dễ trồng nhỉ, bông to thế kia. Cậu ấy cười: “Không dễ thế đâu chị. Đất cằn sỏi đá này, cây gì sống nổi…”

Vậy mà họ làm được. Họ biến đá sỏi thành đất màu, họ khiến thanh anh, cẩm tú cầu đua nhau nở, bông to hơn dưới xuôi nhiều lần. Hoa hướng dương ở đây bông như… cái chảo. Hồng cổ Sa Pa ngát thơm một vùng chân núi. Mấy cây đào, mận giữa thu mà lác đác ra hoa mới lạ.

Chuyện đời một công trình kỷ lục

Vẻ đẹp của quần thể kiệt tác tâm linh trên đỉnh thiêng Fansipan

Không thể đi hết tuyến đường mà những công nhân xây cáp đã đi, bởi đường quá nguy hiểm, chúng tôi quay về, đi cáp lên ngủ đêm trên đỉnh. Cái lạnh 4 độ giữa mùa thu và tiếng gió rít bên ngoài căn phòng đã có máy sưởi vẫn đủ cho tôi hình dung về những đêm đông cao điểm, khi các công nhân vẫn khuân từng tảng đá, từng mét khối gỗ lên đỉnh, để hoàn thiện những công trình, trong cái lạnh âm độ khiến họ như đông cứng.

Bình minh nhuộm sắc vàng đỏ trên toàn bộ đỉnh Fansipan, báo hiệu một ngày đẹp trời. Đi dọc đường La Hán, dạo qua các công trình tâm linh, những gốc đỗ quyên xòa xuống, kể câu chuyện ngày ấy chúng đã được gìn giữ ra sao để bền vững như 300, 400 năm về trước. Những cây đỗ quyên mới trồng bật lên mầm mới. Những cụm quả mâm xôi đỏ mọng bên đường. Hoa hồng Sa Pa, hồng ngoại… trồng rải rác theo các lối đi, nở hoa bên hiên các công trình tâm linh.

Ở cái nơi mà trong ký ức của các công nhân xây cáp, chỉ có đỗ quyên và trúc lùn mới trụ được, nay hoa nở ngợp ngời các loại, cây xanh phủ kín các triền núi. Chỉ có thể cắt nghĩa được những kỳ công vì một công trình, giải mã được những nỗ lực mang màu xanh ấy bằng một điều duy nhất, ấy là tình yêu với điểm đến, đam mê làm nên những công trình để đời của những người làm du lịch như Sun Group.

Phương Thảo