Bàn giải pháp để xuất khẩu gạo bền vững
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:35, 11/10/2018
Thông tin tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tính riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu gạo 2,46 tỷ USD, tăng 21, 3% so với cùng kỳ.
“Hiện mặt hàng gạo của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với các thị trường truyền thống, gạo Việt đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan”, Thứ trưởng nói.
Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…Theo đại diện Sở Công Thương An Giang thị trường Trung Quốc vốn nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam thì nay cũng đưa ra nhiều điều kiện khắt khe về kích cỡ hạt gạo. Nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị trả về. Một số nước Hồi giáo khu vực Trung Đông lại thích loại gạo hạt dài, trong khi Việt Nam không có giống gạo đó nên không đáp ứng được.
Tinh riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo. Ảnh minh họa
Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương ) cho biết xuất khẩu gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.
Chẳng hạn như tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được các hợp đồng giao cho Cơ quan mua bán lương thực Indonesia (Bulog) với số lượng lớn ngay từ các tháng đầu năm.
Hay tại thị trường Philippines ký được hợp đồng tập trung giao 130.000 tấn; thị trường Cuba ký được hợp đồng tập trung và thương mại giao 400.000 tấn. Công ty Liên doanh sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo (V.I.P) cùng Công ty CP Tập đoàn Tân Long khai thác tốt thị trường Iraq, Hàn Quốc; góp phần giúp cho xuất khẩu gạo tích cực cả về lượng và giá.
Ông Trần Thanh dự kiến: Năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo. Do đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Theo ông Martin Albani – Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan. Theo vị chuyên gia này, Thái Lan luôn đưa ra phía trên của thương hiệu đó đó là chỉ dẫn địa lý, đây là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ. Đầu tiên họ làm ở cấp quốc gia, sau đó, họ đưa hồ sơ lên EU, việc này giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan, giúp nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường. Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý.
Do đó, ông Martin Albani khuyến nghị đối với Việt Nam, mục tiêu thương hiệu của khối khu vực tư nhân thì cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Đối với khu vực công và nhà nước cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng hay là các khía cạnh khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách khác cũng như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.