Đua xuất ngoại sữa Việt
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:25, 26/09/2018
Vinamilk mạnh tay M&A
Vinamilk hiện là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần chi phối gồm: 54,5% thị phần sữa nước; 40,6% thị phần sữa bột; 33,9% thị phần sữa chua uống; 84,5% thị phần sữa chua ăn và 79,7% thị phần sữa bột. Tuy nhiên, cạnh tranh ngành sữa đang ngày càng gay gắt hơn nhiều.
Đơn cử, mảng thị trường sữa nước của Vinamilk đang bị nhiều đối thủ bám đuổi, trong đó đáng gờm nhất là FrieslandCampina (F.C), doanh nghiệp nắm thị phần lớn thứ 2 ngành sữa nước (25,7%) Việt Nam, với thương hiệu lâu năm Dutch Lady. Trên phân khúc sữa bột, Vinamilk cũng chịu áp lực mạnh mẽ từ đối thủ Nutifood. Sản phẩm GrowPLUS+ của NutiFood chiếm thị phần cao nhất trong phân khúc sữa bột đặc trị dành cho trẻ em (39,3%) và phân khúc sữa bột pha sẵn trên toàn quốc (37,4%), theo khảo sát của Nielsen.
Áp lực cạnh tranh khiến Vinamilk tập trung cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là dòng sữa organic, đồng thời chọn phân khúc cao cấp để tiếp thị và đẩy mạnh xuất khẩu. Vinamilk đã có các hoạt động đầu tư vào Mỹ (sở hữu 100% nhà máy Driftwood), Campuchia (sở hữu 100% nhà máy Angkormilk), New Zealand (Miraka, sở hữu 22,8%) cùng 1 công ty con tại Ba Lan.
Sản phẩm của Vinamilk cũng đã được xuất đi hơn 40 nước trên thế giới. Vinamilk đang hướng sự quan tâm tới thị trường đông dân là Myanmar và Trung Quốc. Ngoài ra, lãnh đạo Vinamilk ấp ủ việc M&A thêm 1 doanh nghiệp ngành sữa tại thị trường Mỹ. “Mỹ là thị trường khó tính nhất. Nếu chúng tôi được thị trường này chấp nhận, đó sẽ là một lợi thế lớn để thâm nhập vào các thị trường khác và thúc đẩy Công ty tăng trưởng”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ với Bloomberg, khi bàn về khả năng M&A công ty ngoại để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk chưa được thuận lợi. Sáu tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm 6,8% so với cùng kỳ. Thị phần đặc biệt giảm đáng kể có nguyên nhân từ thị trường Trung Đông khi nhà phân phối Dubai chủ động cắt giảm nhập khẩu vì thị trường Iraq gặp khó khăn kinh tế (chiếm khoảng 60% doanh thu xuất khẩu). Hội đồng Quản trị Vinamilk đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm 2018 ở mức 55.500 tỉ đồng, chỉ tăng 8,5% so với con số thực hiện năm 2017. “Chúng tôi chưa đủ tự tin về xuất khẩu năm 2018. Nhưng đây cũng chỉ là con số tối thiểu mà Hội đồng Quản trị đưa ra”, bà Liên trả lời ý kiến của cổ đông về việc dường như chỉ tiêu năm 2018 ít tham vọng.
Vinamilk phải chạy đua để đạt tới mục tiêu 3,3 tỉ USD doanh thu vào năm 2021 từ mức 2,2 tỉ USD hiện tại. Về thị trường xuất khẩu, nếu hoàn thành kế hoạch thì xuất khẩu mới chiếm 8-9% doanh thu. Thực tế, Vinamilk đang tìm cách thay đổi chiến lược xuất khẩu. Theo đó, Công ty sẽ thúc đẩy xuất khẩu bằng cách triển khai thật chuẩn hệ thống phân phối; tiếp cận, xúc tiến một cách linh hoạt và đa dạng các loại hình hợp tác kinh doanh với đối tác quốc tế.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk nhiều khả năng sẽ ở mức tương đương với ngành sữa. Vì vậy, Công ty có thể phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới và có thể là tiếp tục thông qua M&A.
NutiFood với chiến thuật “dựa vai”
Kể từ khi bị lỗ gần hết vốn điều lệ Công ty 10 năm trước, nhờ quay trở về giá trị cốt lõi là sữa, đến năm 2017, NutiFood đã đạt doanh thu 10.000 tỉ đồng. Nhờ sản phẩm đặc thù, kết hợp với mức giá trung bình thấp hơn 10-15% so với đối thủ, NutiFood đang dần có được thị phần tăng trưởng tốt trên thị trường sữa bột. Nếu năm 2014, thị phần sữa bột của NutiFood chỉ khoảng 10%, thì năm 2017 con số này đã tăng lên 15%, chủ yếu đánh vào phân khúc trung bình thấp.
Đến năm 2018, sau 18 năm thành lập, NutiFood trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được sản phẩm sữa bột pha sẵn Pedia Plus sang thị trường Mỹ với đơn vị phân phối là Delori. Theo kế hoạch, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. Trước mắt, đây là cách tiếp cận an toàn của NutiFood, vì không phải đơn vị nào cũng có nội lực M&A như Vinamilk. “NutiFood đã xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc nhưng tỉ trọng còn nhỏ, mục tiêu trong năm đầu tiên doanh số xuất khẩu vào Mỹ khoảng 20 triệu USD và năm thứ 5 là 100 triệu USD.
Giai đoạn đầu là trẻ em và người cao tuổi, sau đó sẽ mở rộng thêm các phân khúc khác và chuẩn bị cho kế hoạch mở nhà máy để sản xuất các sản phẩm sữa tươi dùng hằng ngày”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NutiFood, cho biết. Theo ông Hải, công thức thành công của sản phẩm NutiFood đơn giản là “ngon và hợp vị”.
Lâu nay sữa NutiFood cũng đã xuất khẩu sang một số thị trường như Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào. Tuy nhiên, với “visa” vào thị trường Mỹ, NutiFood đã là nhà sản xuất sữa quốc tế, với công nghệ cao và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Vì vậy, NutiFood tự tin hướng tầm nhìn sang thị trường châu Âu.
Kế hoạch này bước đầu được mở đường bằng thương vụ hợp tác này với tỉ phú Thụy Điển Erik Paulsson, Chủ tịch Backahill Group. Backahill hiện sở hữu Công ty Foodhills tại miền Nam Thụy Điển, nơi có vùng nông nghiệp tốt nhất Bắc Âu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm chất lượng cao. “Tôi nhìn ra đây sẽ là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho NutiFood sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng ở Việt Nam, đồng thời cung cấp cho thị trường châu Âu và châu Á”, ông Hải nhận định về thương vụ này.
NutiFood đã mở 3 mặt trận giá cả, chất lượng và dịch vụ tại thị trường trong nước, giờ tiếp tục mở rộng mặt trận xuất khẩu trong nỗ lực thực hiện mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2020.