Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:06, 17/09/2018

Dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục công trình để kịp khánh thành và cấp nước cho người dân thủ đô vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10 năm nay.

Trong 2 ngày 15 và 16/9 vừa qua, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm (1 ngàn milimet), với tổng chiều dài hơn 1000m (1 ngàn mét) vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông , trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống bằng phương pháp đánh chìm qua sông.

Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng của giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.  Các tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống. Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200m và qua lòng sông Hồng dài trên 500m. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, đảm bảo trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ. Trước đó nhiều tháng, các đơn vị thi công đã phải tiến hành hút cát, nạo vét lòng sông, độ sâu tính từ mặt nước xuống vị trí đặt ống khoảng 20m. Đây chính là 2 điểm nút khó khăn nhất của dự án, vì bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất trong thi công, để đảm bảo an toàn, toàn bộ tuyến ống ở đây phải được đặt chìm dưới đáy sông, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện vận tải thủy. Điều kiện thời tiết, khí hậu miền Bắc thời gian qua không thuận lợi do mưa bão, lũ về, mực nước sông dâng cao đã gây khó khăn rất lớn đến quá trình thi công. Do đó, các kỹ sư, chuyên gia và công nhân của Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực để kịp tiến độ của công trình.

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Nhà máy nước mặt Sông Đuống phóng tuyến ống qua sông thành công

Sau nhiều giờ thi công khẩn trương, liên tục với sự tham gia của các kỹ sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm và công nhân xây dựng, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm (1 ngàn milimet), với tổng chiều dài hơn 1000m (1 ngàn mét) đã được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đây là hạng mục thi công đòi hỏi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật toàn diện và trình độ công nghệ cao. Dự án đã tập hợp những nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thi công đường ống, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý dự án hàng đầu thế giới cùng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, hệ thống thiết bị công nghệ,máy móc và vật liệu tiên tiến nhất cũng được đáp ứng tối đa để phục vụ cho dự án.

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, công trình trọng điểm của Hà Nội sẽ được hoàn thành, chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10/2018. Khi đi vào vận hành, nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm cao.

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Toàn cảnh 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm , với tổng chiều dài hơn 1000m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn với quy mô lớn nhất qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200m và qua lòng sông Hồng dài trên 500m.

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Người nhái lặn để kiểm tra ống dưới lòng sông đã nằm đúng vị trí mương đào  sau khi ống đã được đánh chìm.

Chủ tịch HĐQT Nhà máy NM Sông Đuống Bà Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ: Đây là thành công vượt bậc, vượt khả năng... Những kĩ sư, công nhân, chuyên gia của chúng tôi quá giỏi để có thể đánh chìm ống nước xuống lòng sông 20mét trong lúc thời tiết không thuận lợi. Dù là người trong cuộc, đứng đầu của dự án,  nhưng tôi vẫn không thể hình dung kỹ sư Việt Nam mình lại có thể làm được những điều đó…

Tôi rất tự hào khi được làm việc với những chuyên gia, kỹ sư, cộng sự của NMNM  Sông Đuống với tinh thần làm việc quyết liệt và có tâm…không nơi đâu có được tinh thần cao như vậy! Chúng tôi sẽ không thể thực hiện được tốt công trình quy mô lớn nhất tại Việt Nam như thế, nếu không có yếu tố này. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện những khát vọng và khát  khao mang nguồn nước sạch đến toàn bộ 100 triệu dân Việt Nam. Đây là điều mà chúng tôi đang hướng tới. Hôm nay là là một ngày rất đặc biệt, là dấu ấn lịch sử của ngành nước Việt Nam. Chúng tôi rất phấn khởi khi các chuẩn bị đã và đang diễn ra một cách tốt đẹp, hoàn hảo. Đây là bước đệm và động lực lớn giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện ước mơ, khát vọng ...

Bên cạnh những nỗ lực của toàn thể nhà máy, chúng tôi tri ân sự ủng hộ từ nhân dân, lãnh đạo Thành phố Hà nội, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... Nếu không có sự đồng hành của bà con và chính quyền trong quá trình thực hiện giấc mơ có thật này, chúng tôi đã không thể hoàn thành dự án trong khoảng thời gian áp lực như vậy.

Sông Đuống : Hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

Phỏng vấn Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống tại công trường

Cuối cùng, chúng tôi cam kết đúng ngày 10/10/2018 – Ngày Giải phóng Thủ đô, những dòng nước sạch đầu tiên sẽ được chuyển đến tận nhà của bà con tại những vùng có đường ống của nhà máy được hoàn thành giai đoạn 1 đi qua, tại Thủ đô Hà Nội” Bà Liên chia sẻ.

Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà đầu tư NMNM sông Đuống đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

Dự án hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn; dự kiến sẽ tiến hành chạy thử; xúc xả  trong tháng 9/2018 và phát nước thương mại chính thức vào Lễ kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô  - 10/10/2018.

Ý kiến chuyên gia:

. Ông ĐỖ VĂN ĐỊNH, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống

Việc thi công tuyến ống đoạn qua sông cực kỳ phức tạp. Chúng tôi phải xử lý một chuỗi các bài toán: đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo thi công trên bờ, đảm bảo nhanh chóng, giải tỏa mặt bằng và thi công, sau đó phục hồi lại cho bà con nông dân. Bởi vậy tất cả các tuyến ống của chúng tôi hiện nay được thi công 24/24. Chúng tôi thay ca và thi công suốt ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết… chực chờ tranh thủ làm việc mặc dù thời tiết không thuận lợi mưa bão, lũ quét, nước sông dâng cao. 

Khúc sau lưng tôi hiện nay là 3 đường ống HDPE có đường kính 1000mm được đấu nối song song chuẩn bị vượt sông Đuống.

Đường ống HDPE có các cơ tính độ bền rất cao và được hàn liên tục. Tiếp đó, 3 đường ống được liên kết cố định với nhau và toàn bộ chiều dài của đường ống được thực hiện thi công trên bờ, sau đó được đưa ra lòng sông và đánh chìm.

Về kĩ thuật, tuổi đời của dự án là 50 năm. Chúng tôi khẳng định có thể là 70 đến 80 năm. Chúng tôi áp dụng các quy chuẩn cao nhất của Hiệp hội cấp nước Hoa Kỳ. ...

Ông Định cho biết: Giai đoạn 1A của chúng tôi với tổng chiều dài toàn bộ tuyến ống là 60km, trong đó có 2 điểm chúng tôi bắt buộc phải băng qua sông là sông Đuống và sông Hồng. Như các bạn đã biết ở VN hiện nay chưa có một dự án nào áp dụng việc hạ thủy ống ngang qua lòng sông Hồng và lòng sông Đuống. Đây là dự án mà lần đầu tiên Cty CP nước mặt sông Đuống đã tiến hành áp dụng, nên nó đòi hỏi thách thức về mặt khoa học kỹ thuật và xử lý tất cả các giao diện. Ngày hôm nay chúng tôi có thể khẳng định rằng, chúng tôi đã thành công trong việc hạ thủy đường ống HDPE chìm xuống lòng sông Đuống thành công.

Sông Đuống có mực nước rất sâu, dòng chảy tốc độ rất cao, đặc biệt tiến độ của dự án chúng tôi bắt buộc phải thi công, và mùa lũ hiện nay, chúng tôi phải tranh thủ con nước từng ngày, từng giờ. Rất may cho BQL dự án là trong thời điểm vừa rồi là thời điểm vừa kết thúc các cơn bão, tốc độ dòng chảy đã nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được và miền Bắc lại chuẩn bị sắp có bão...

Ông JULIEN LEROUX, Giám đốc Dự án Quốc tế Cty Berim, Tư vấn trưởng giám sát hợp phần tuyến ống

Tất cả các mối hàn đều được chúng tôi kiểm tra bằng phương pháp siêu âm, và có đầy đủ các biện pháp thi công phù hợp khi tuyến ống đi qua lòng sông nếu gặp nước lũ hoặc chịu được tải nặng ....

Đánh chìm tuyến ống qua sông là công đoạn thi công khó khăn, phức tạp nhất của dự án.Để đảm bảo an toàn, toàn bộ tuyến ống ở đây phải được đặt chìm dưới đáy sông, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện vận tải thủy.Trước đó nhiều tháng, các đơn vị thi công đã phải tiến hành hút cát, nạo vét lòng sông, độ sâu tính từ mặt nước xuống vị trí đặt ống khoảng 20m. Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200m và qua lòng sông Hồng dài trên 500m. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, đảm bảo trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (225 triệu Đô la Mỹ), bao gồm 02 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Về quy mô dự án, theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ ngày đêm.

Tiếp nối giai đoạn này, Dự án NMNM sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2025 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 công suất  đạt 900.000 m3/ ngày đêm.

Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành. Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước Châu Âu và G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc , Thái Lan và Châu Á.

 

Minh Khang