Credit Suisse AG giải ngân gói tín dụng 200 triệu USD cho Tập đoàn FLC
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 13:33, 13/07/2018
Ngày 6/7, Ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore đã giải ngân gói tín dụng lên tới 200 triệu USD, tương đương hơn 4,600 tỷ đồng, mà ngân hàng đầu tư hàng đầu của Thụy Sỹ cấp cho Tập đoàn FLC theo hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên.
Theo Tập đoàn FLC, khoản vay này được đảm bảo bằng quyền góp vốn tại công ty con, nhằm bổ sung vốn cho dự án và vốn lưu động của FLC. Thời hạn khoản vay là 2,5 năm đến 3 năm, theo từng đợt giải ngân. Số vốn giải ngân sẽ được đưa vào phục vụ triển khai và mở rộng các dự án cũng như các lĩnh vực hoạt động mới của doanh nghiệp này. Động thái này cho thấy Credit Suisse AG bên cạnh nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn đã và đang đánh giá cao uy tín và triển vọng phát triển của Tập đoàn FLC.
Trong các tháng gần đây, công tác bán hàng trên toàn hệ thống của Tập đoàn FLC khá thuận lợi, trong đó riêng số lượng sản phẩm bán mới đạt hơn 2.000 căn trong 2 tháng, cho cả 3 quần thể dự án của Tập đoàn tại Quy Nhơn (Bình Định), Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Quảng Bình. Đây cũng là mùa cao điểm về các hoạt động dịch vụ nghỉ dưỡng mà Tập đoàn theo đuổi.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC và Credit Suisse AG
Trong mấy tháng qua, Tập đoàn FLC nổi bật không chỉ ở công tác bán hàng rất hiệu quả với đội ngũ môi giới lên tới hàng nghìn nhân viên từ khắp các nhà phân phối bất động lớn trên cả nước, mà còn ở thông tin thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways.
Việc thành lập hãng hàng không nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đang ngày một lớn, mà còn hướng đến gia tăng tiện ích phục vụ công tác vận hành, bán sản phẩm của các quần thể nghỉ dưỡng thương hiệu FLC.
Credit Suisse bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 và cho đến nay là ngân hàng nước ngoài huy động vốn lớn nhất tại Việt Nam với hơn 7 tỷ USD cho Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là ngân hàng đứng vị trí số 1 trong các ngân hàng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về số lượng huy động vốn cổ phiếu, vốn nợ bằng USD và trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập theo giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, Credit Suisse thường nhắm tới đối tượng hợp tác là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực phát triển mạnh, khả năng tăng trưởng ổn định, nhanh chóng, phù hợp với những tiêu chí đề ra của ngân hàng này.
Thị trường Việt Nam hiện được Credit Suisse xác định là một trong những vị trí trọng điểm với mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận vào năm 2018, một phần trong chiến lược toàn cầu mới tập trung vốn và nguồn lực hơn nữa vào Châu Á Thái Bình Dương. Ban lãnh đạo của ngân hàng cho biết Credit Suisse sẽ tiếp tục đưa các nhà đầu tư lớn nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực như hàng không, các dự án cơ sở hạ tầng và viễn thông.
Tập đoàn FLC là đối tác mới nhất tại Việt Nam của Credit Suisse, bên cạnh một số doanh nghiệp như VPBank, Vietcombank, FE Credit…
Phía Credit Suisse cho biết Hợp đồng tín dụng ký kết với Tập đoàn FLC là kết quả của một giai đoạn nghiên cứu và tìm hiểu kỹ của các chuyên gia phân tích, chuyên gia tài chính của ngân hàng. Tập đoàn FLC đã chứng minh được năng lực và uy tín thông qua mô hình hoạt động hiệu quả, tình hình tài chính minh bạch, cơ cấu vốn an toàn, các dự án hoạt động tích cực.
Trước định hướng tiếp tục tập trung tư vào bất động sản, giữ vững và duy trì vị thế nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam, đồng thời mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực kinh doanh mới là hàng không, nông nghiệp công nghệ cao... của FLC, Credit Suisse đánh giá đây là chiến lược phát triển có quy mô và tốc độ ấn tượng.
Credit Suisse là một ngân hàng Thụy Sĩ thành lập từ năm 1856, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động trên ba lĩnh vực chủ chốt là Ngân hàng đầu tư, Nghiệp vụ ngân hàng tư nhân và Quản lý tài sản. Được đánh giá là một trong những ngân hàng đầu tư uy tín hàng đầu thế giới, Credit Suisse đã chứng minh được năng lực của mình nhờ khả năng đứng vững trong các cuộc khủng hoảng tài chính mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ. |