Vì sao CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây?

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:10, 30/05/2018

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng Năm có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,61% so với tháng 12/2017 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Vì sao CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây?

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Ảnh minh họa

Trong số các nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI tháng 5/2018, có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với mức 1,72%. Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, trong nhóm này giá thực phẩm tăng 1,2% do giá thịt lợn hơi tăng mạnh (5,85%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng nhẹ, đó là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; các nhóm: Đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép cùng tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Trong 02 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI còn lại, nhóm nhóm giáo dục có mức giá không đổi so với tháng trước; còn nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

 Một số yếu tố chính khiến CPI tháng 5 tăng mạnh được Tổng cục Thống kê đưa ra là giá thịt lợn tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi. Hiện nay nguồn cung thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt lợn tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.

Một yếu tố khác khiến CPI tháng 5 tăng lkỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao làm cho giá các mặt hàng này tăng hơn so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 8/5/2018 và ngày 23/5/2018, bình quân tháng 5/2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,16%.

Ngoài ra còn một số yêu tố khác góp phần làm CPI tháng 5 tăng như: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng; thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện, nước sinh hoạt tăng; giá gas trong nước tháng 5 cũng điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg…

Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 5/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,34% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Không nằm trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, trong tháng 5/2018 chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ đều giảm so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá vàng tháng 5/2018 giảm 0,75% so với tháng trước; tăng 2,89% so với tháng 12/2017 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2018 giảm 0,06% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12/2017 và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2017.

Lan Trần