Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về dự thảo Luật Thuế tài sản?

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 17:56, 20/04/2018

Trước những thông tin trái chiều về dự thảo Luật Thuế tài sản được công bố mới đây, chiều 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi trao đổi cùng báo chí xung quanh vấn đề này.

Ngày 13/4, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó có đề nghị thực hiện phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Nếu áp dụng phương án này, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 31 nghìn tỷ đồng.

Ngay sau khi được công bố, dự thảo Luật Thuế tài sản đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về dự thảo Luật Thuế tài sản?

Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính

Chiều 20/4, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan về dự thảo Luật Thuế tài sản. 

“Chúng tôi rất hoan nghênh và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân cả nước tham gia góp ý vào dự thảo. Đây là một bước chúng tôi tiếp thu hoàn chỉnh để hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì báo cáo với Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ này” Bộ trưởng nói.

Theo lý giải của người đứng đầu ngành tài chính, việc  xây dựng Luật này dựa trên chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị cũng như Quốc hội, Chính phủ. Đó là, từ Nghị quyết số 19/2012 của BCH TƯ khóa XI đến Chiến lược về thuế giai đoạn 2011-2020 cũng như Đề án về khai thác nguồn lực từ đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó  là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững.

Bên cạnh đó, việc thực hiện này để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tảng tài chính quốc gia, an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25 của Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; trong đó nêu rõ, yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế đối với tài sản; cụ thể đối tượng chịu thuế tài sản bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất.

Những mục tiêu của Luật Thuế tài sản được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ gồm: Tăng cường quản lý về tài sản; Nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, mục tiêu là điều tiết vào đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải được đưa vào sử dụng, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp; Đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản, như vậy sẽ góp phần quan trọng vào phòng ngừa, phòng chống tham nhũng.

“Nếu Luật được thông qua sẽ trên cơ sở nào đó mở rộng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo cơ cấu lại nguồn thu. Trên tinh thần đó, chúng tôi nghiên cứu đề xuất và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng như các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đối tượng trong xã hội để tiếp tục lắng nghe hoàn chỉnh dự thảo”, Bộ trưởng cho biết.

Nói về giải pháp cân đối ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong điều kiện hội nhập và mở cửa trong điều kiện cắt giảm thuế quan, đặc biệt là thuế nhập khẩu theo lộ trình giảm rất sâu, cũng như giá dầu thô giảm sâu thời gian qua, như vậy chúng ta phải cơ cấu lại chính sách thu cùng với việc mở rộng nguồn thu. Đây là giải pháp căn bản nhất để đảm bảo cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Cùng với đó, sẽ phải tiến hành hàng loạt các giải pháp tiết kiệm chi để đảm bảo chi thường xuyên phải giảm đi, để có nguồn tăng chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ thời gian tới.

Thông tin cụ thể về việc giảm chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy, sắp xếp lại tổ chức.Từ 1/7 năm nay, sẽ triển khai Luật Quản lý nợ công mới, tất cả tập trung về một mối là Bộ Tài chính để huy động ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Bộ Tài chính cũng sắp xếp các đơn vị chức năng trong Bộ với tinh thần không tăng thêm biên chế. Rà soát, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước, năm nay sẽ giải thể, sáp nhập 43 kho bạc các tỉnh, thành phố.

Về sắp xếp hệ thống thuế trong 3 năm tới, Bộ Tài chính sẽ sắp xếp lại theo phương án liên vùng huyện, thị xã. Năm 2018 sẽ sắp xếp từ 327 chi cục còn 154 chi cục thuế ở các huyện, thị xã. Năm 2019 sắp xếp 53 chi cục huyện, thị xã thành còn 25 chi cục. Năm 2020, sắp xếp 168 chi cục thuế quận huyện thành còn 78 chi cục.

Lan Trần