Đề xuất bổ sung chính sách về điều tra thuế: Cần được đánh giá cụ thể
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:17, 26/03/2018
Băn khoăn của bộ ngành
Theo Dự thảo mới về Luật Quản lý thuế sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung chính sách về điều tra thuế. Theo đó, thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế như: Xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, Cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Nhiều bộ ngành đề nghị đánh giá cụ thể việc bổ sung chức năng điều tra thuế vào Luật quản lý thuế sửa đổi. Ảnh minh họa
Trước đề xuất của cơ quan soạn thảo, theo Bộ Tư pháp, trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế mà thực hiện biện pháp áp giải người cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và quy định cụ thể vi phạm pháp luật thuế ở mức độ nào thì được áp dụng biện pháp này.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 732/QĐ-TTg. Theo đó, làm rõ mối quan hệ bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các bộ liên quan và cơ quan tư pháp trước khi đề nghị bổ sung chính sách vào dự thảo Luật.
Bộ Tư pháp cho rằng việc giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế trong hoạt động tố tụng và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế. Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể.
Nhiều bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng việc bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra cho cơ quan thuế, công chức thuế vào dự thảo Luật sẽ có tác động tới nguồn nhân lực, tài chính và sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đề nghị có đánh giá tác động cụ thể và chi tiết hơn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế vào Luật quản lý thuế sửa đổi vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đề nghị “cân nhắc” việc bổ sung chức năng điều tra.
Quan điểm của Bộ Tài chính
Trước ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Tài chính nêu quan điểm, theo quy định pháp luật hiện hành, hiện cơ quan thuế chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Do đó trong thời gian đầu tính chuyên nghiệp và tính chuyên sâu của công chức thuế hiện tại trong hoạt động tố tụng sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, khi được giao thẩm quyền và chức năng điều tra, cơ quan thuế sẽ phải có kế hoạch, lộ trình cụ thuể để xây dựng bộ máy, cũng như đào tạo cán bộ thuế đảm bảo được tính chuyên nghiệp và tính chuyên sâu trong thực hiện hoạt động tố tụng.
Việc tổ chức hoạt động điều tra thuế sẽ chỉ xây dựng ở cấp tổng cục, do đó sẽ có điều kiện tập trung thời gian và nguồn lực đào tạo và nâng cao nhiệm vụ cho đội ngũ này.
Theo Bộ Tài chính, giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế thực chất là việc bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Cụ thể đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa, chuyển hồ sơ, tài liệu vụ án cho Cơ quan Điều tra để tiếp tục làm sáng tỏ tình tiết vụ án.
Trên cơ sở các dấu hiệu sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc giám sát, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu hình sự thì cơ quan thuế thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ dấu hiệu tội phạm làm cơ sở ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện tiếp các hoạt động khác theo quy định để tiếp tục xử lý.
"Các hoạt động điều tra, xác minh của cơ quan thuế trong trường hợp này thực chất vẫn là các công việc do cơ quan thuế quản lý ở khâu hành chính nhưng được thực hiện theo quy trình tố tụng tư pháp (trình tự chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn và tính pháp lý cao hơn). Như vậy, với việc giao quyền điều tra ban đầu như đã nêu ở trên sẽ không làm phát sinh thêm đầu mối mà sẽ góp phần gọn nhẹ và nâng cao tính hiệu quả của cơ quan điều tra chuyên trách. Trước mắt chỉ thực hiện ở bộ phận điều tra ở cơ quan Tổng cục Thuế”, Bộ Tài chính lập luận. Bộ này cũng nhấn mạnh: “Như vậy bộ phận điều tra của cơ quan thuế trong tương lai là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu trong lĩnh vực thuế, có tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn thấp hơn Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán. Việc điều tra thuế phải có nghiệp vụ riêng, vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao.
Với những quan điểm đã nêu trên, tại bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, công dân về đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính nêu rõ: “Điều tra thuế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau; nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc. Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố; cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người mà sẽ phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết.
Điều tra thuế sẽ không phủ định các chức năng điều tra khác, nghĩa là vẫn tồn tại các cơ quan điều tra chống buôn lậu, gian lận của Hải quan; điều tra hình sự của cơ quan Công an, v.v…; đồng thời, điều tra thuế còn hỗ trợ các cơ quan điều tra này”.