CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:57, 11/03/2018
Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Singaporo, Peru, Canada, Malaysia, Australia, Brunei, Mexico, Chile, New Zealand đã ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile.
Các Bộ trưởng của 11 nước chia sẻ quan điểm rằng với việc đạt được một thỏa thuận có chất lượng cao và cân bằng, Hiệp định sẽ củng cố mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, hộ gia đình, nông dân và người lao động. Hiệp định này là minh chứng cho cam kết của tất cả các thành viên vì một hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên nguyên tắc và minh bạch. Hệ thống thương mại này cũng mở cửa đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc nói trên.
Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước đã ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Moit.gov.vn
Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét: “Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”.
Theo WB, Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nêu quan điểm của mình, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vị chuyên gia này cũng lưu ý việc thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.
WB đánh giá CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại,…
Tiếp nối gần như toàn bộ nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như về các tiêu chuẩn cao về quy tắc bao trùm nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện đúng như tên gọi, do đó tiến bộ hơn những hiệp định trước đó.
Đại diện HSBC đánh giá, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi từ CPTPP. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước và vùng lãnh thổ đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ đô la Mỹ một năm.
Theo Bộ Công Thương, việc các Bộ trưởng phụ trách kinh tế - thương mại của 11 nước tham gia CPTPP chính thức ký kết Hiệp định này và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng lưu ý từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.