Dự thảo Nghị định điều kiện KD vận tải ô tô: Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:00, 24/01/2018
Đổi mới về tư duy nhưng vẫn còn bất cập
Bộ Giao thông - Vận tải vừa đã công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 hướng dẫn về kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô; giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Quang cảnh hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức
Tại hội thảo về “ Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, chuyên gia gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá dự thảo Nghị định đã thể hiện một số đổi mới về tư duy và cải thiện về cách thức quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Chẳng hạn như bỏ hoặc sửa một số quy định không còn phù hợp trong Nghị định 86. Đó là bỏ quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu; thống nhất niên hạn 12 năm cho xe taxi, bỏ một số thành phần trong hồ sơ cấp phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính;sửa quy định về người điều hành vận tải. Đồng thời, bỏ các quy định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã như: phải ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quy định về cơ quan quản lý tuyến lựa chọn đơn vị khai thác…
Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cũng nhìn nhận vẫn còn những quy định hành chính vô lý còn được duy trì như: lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh. Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải là nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi…
Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng chỉ ra một số quy định trong dự thảo được coi là không cần thiết và quá cụ thể đến mức trói buộc doanh nghiệp, tạo ra sự không công bằng giữa các thành phần kinh tế. Dẫn chứng điều này, ông Trần Đức Nghĩa (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam) nêu ví dụ: “Điểm a, khoản 5, Điều 12 của dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh. Quy định này có thể phù hợp với vận tải hành khách nhưng không phù hợp cho vận tải hàng hoá. Trên thực tiễn, tất cả những nơi đỗ xe đều phải tuân thủ những quy định tương tự tại dự thảo này và được quản lý bởi chính quyền địa phương”.
Mục tiêu cao nhất phải là phục vụ người tiêu dùng
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc xây dựng quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải vẫn cần phải xem xét theo một loại hình kinh doanh vận tải mới. Theo ông Hiếu, dự thảo Nghị định 86 mới chỉ thiên về siết chặt hơn là tạo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp vận tải.
Từ những nghiên cứu về Luật giao thông của của một số nước trên thế giới, ông Hiếu cho biết các nước đã chuyển từ mục tiêu giao thông vận tải an toàn sang mục tiêu kinh tế và coi kinh doanh vận tải là lĩnh vực quan trọng thiết yếu của nền kinh tế. Theo đó, ông Hiếu đề xuất nếu chưa sửa được Luật Giao thông vận tải đường bộ thì phải tách bạch yêu cầu kiểm soát an toàn giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải. Bên cạnh việc quản lý vận tải theo phương thức đảm bảo an toàn, đặt yếu tố an toàn nên hàng đầu thì phải tính đến yếu tố kích thích kinh tế, đảm bảo hiệu quả kinh tế, cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng dự thảo ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đố với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với người dân và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải- tức là đối tượng phục vụ hay khách hàng/người tiêu dùng của ngành vận tải. “Thiếu quan tâm hay không ý thực được và tôn trọng vai trò, quyền lợi của “nhân vật thứ ba” này, nghị định sẽ khó bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ba bên- Nhà nước, bên cung cấp sản phẩm/dịch vụ và người tiêu dùng.Việc hài hòa quyền lợi này vừa là nhiệm vụ của nhà nước, vừa là nền tảng cho phát triển bất cứ ngành hàng nào trong kinh tế thị trường”, bà Phạm Chi Lan nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, mục tiêu cao nhất là phục vụ người tiêu dùng chứ không phải là doanh nghiệp vận tải hay cơ quan quản lý nhà nước.
Một số chuyên gia cũng khẳng định, nội dung văn bản pháp quy không được can thiệp vào phương thức kinh doanh và càng không được áp đặt ý chí chủ quan của mình đối với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Việc soạn thảo văn bản pháp luật phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới, kích thích và tôn trọng sự sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và xu hướng thời đại gắn liền với yêu cầu hội nhập quốc tế. Thậm chí, nếu cần thì mạnh dạn xóa bỏ những khái niệm, quan điểm đang hiện hữu với sự bất cập, lạc hậu trước yêu cầu phát triển của xã hội.