VEPR: Đầu tư vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:20, 16/01/2018
Sáng16/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã tổ chức tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2017. Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo báo cáo của VEPR, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi nhẹ. Tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế quý 4/2017 ước đạt 538,7 nghìn tỷ đồng, bằng 112,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ kém mức tăng của quý 3/2017 tính trong hai năm trở lại đây.
Khu vực tư nhân là khu vực có vốn đầu tư cao nhất quý 4 cả về lượng và mức tăng trưởng, đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7%. Ở quý cuối năm này, tăng trưởng ở khu vực FDI lại giảm hơn một nửa so với quý trước, đạt 11,3% so với mức 27,7% của quý 3, cho dù lượng vốn đầu tư 119,7 nghìn tỷ đồng là mức cao nhất trong nhiều năm.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn giải ngân đạt mức 5 tỷ USD, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với 26,8% của quý 3. Tính chung cả năm 2017, tổng lượng vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD và tăng 10,8%.
Trong khi đó, sau khi giảm rất mạnh trong quý 3, lượng vốn đăng ký mới đã tăng lên gần 3 lần ở quý 4 và đạt 6,72 tỷ USD, tăng 67,1% với 747 dự án đăng ký mới. Tính chung cả năm 2017, vốn đăng ký mới đạt 21,28 tỷ USD với tổng số 2.591 dự án đăng ký mới. Hơn 1/3 số dự án đầu tư này (932 dự án) là ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có mức tăng trưởng rất cao và là động lực chính của cả nền kinh tế.
Một dự án FDI đáng chú ý trong quý cuối năm là dự án BOT Vân Phong 1 với tổng vốn đăng ký là 2,58 tỷ USD do Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản làm chủ đầu tư.Dự án này cùng với các dự án lớn khác góp phần đưa Nhật Bản vươn lên đứng thứ nhất trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017 với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc xếp thứ hai với 8,49 tỷ USD, trong đó có 2,5 tỷ vốn bổ sung cho dự án SamSung Display Việt Nam. Singapore xếp thứ ba với 5,31 tỷ USD.
Dự báo tăng trưởng năm 2018 là 6,65%
Theo đánh giá của VEPR, năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêukinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan. Xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu, lạm phát quý 4 đã diễn biến ổn định. Điều này phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của NHNN, cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chề giá cả thị trường. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư(3,4% GDP) đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn.
Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán tăng trưởngmạnh cùng xu hướng chung của thế giới. Chỉ số VNIndex tiệm cận mức điểm kỷ lục 1000 điểm vào những ngày cuối năm, nằm trong nhóm 05 thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Thị trường khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn khỏi DNNN.
Quá trình cổ phần hoá đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2017 tại các DNNN lớn, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018 khi mà Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp này.
Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố được cải thiện mạnh mẽ. Sau khi tăng 8 bậc từ năm 2016 sang năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Việc tổ chức thành công sự kiện APEC cũng như đạt được thỏa thuận CPTPP mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế trong tương lai. Hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ sẽ giúp hàng hoá Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường các nước trong CPTPP. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng hoá các nước cũng sẽ đổ vào Việt Nam, đặt ra thách thức lớn hơn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước.
Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 48/2017/QH14 về các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cho năm 2018 tăng trưởng GDP 6,5-6,7%; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7-8%...Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng những mục tiêu cho năm 2018 là có thể đạt được với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. VEPR cũng đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2018 là 6,65%.