Tăng năng suất là yếu tố chính tăng sức cạnh tranh kinh tế
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:25, 12/01/2018
Sáng 11/1/2018, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành, Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo chuyên đề Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018.
Quang cảnh hội thảo Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban kinh tế TW nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dung hiệu quả nguồn lực chuyển đối mạnh mẽ kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn lực.
Phó trưởng Ban kinh tế TW Ngô Văn Tuấn khẳng định, nhìn tổng thể cải thiện năng suất, không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất, đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vươt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Tham dự hội thảo, Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính cho rằng một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nhiều doanh nghiệp tư nhân với qui mô quá nhỏ nên năng suất lao động thấp, không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Cũng vì quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp tư nhân không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn để cách tân công nghệ.
Từ những thực tế trên, GS. Trần Văn Thọ khuyến cáo, Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau. Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng qui mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay.
“Việt Nam cần khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Cần tiến hành công nghiệp hóa theo chiều sâu và theo diện rộng để tránh hiện tượng công nghiệp hóa quá sớm, tạo việc làm năng suất cao cho lao động chuyển từ nông nghiệp và khu vực cá thể. Cùng với đó là việc thay đổi chiến lược thu hút FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ”, GS. Trần Văn Thọ khuyến nghị.
Còn ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, khuyến nghị, để tránh bẫy thu nhập trung bình, phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần thiết lập mô hình phát triển kinh tế mới. Theo đó, Việt Nam cần khởi động chiến dịch mang tính toàn quốc để nâng cao nhận thức, tăng năng suất là yếu tố chính tăng sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam đi kèm hành động cụ thể.
Quan trọng hơn, ông Umeda Kunio cho rằng, Việt Nam cần tăng cường không chỉ năng suất của công ty tư nhân mà còn năng suất của chính Chính phủ. Thông qua đó, hỗ trợ khu vực tư nhân. Làm thế nào để có thể phối hợp nhịp nhàng thủ tục hành chính, cải cách doanh nghiệp quốc doanh rất quan trọng tới tương lai của đất nước.