Thị trường chứng khoán và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:11, 02/01/2018
Năm 2017 là năm thăng hết sức thăng hoa của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, chỉ số VnIndex dừng tại 984,24 điểm và là con số cao nhất đạt được trong vòng 10 năm qua. Cũng trong năm qua, mức tăng trưởng của VnIndex lên tới 48%, qua đó lọt vào top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới, chỉ xếp sau Argentina và Mông Cổ.
Cùng với sự tăng mạnh về điểm số, quy mô thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (HoSE, HNX, Upcom) kết thúc năm 2017 lên tới 3,52 triệu tỷ đồng (155 tỷ USD), tương đương 72% GDP, hoàn thành sớm 3 năm so với mục tiêu vốn hóa TTCK/ GDP đạt 70% mà Chính phủ đặt ra.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2018. Ảnh: MOF
Để tiếp nối thành công của năm 2017, sáng 2/1/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2018.
Phát biểu tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành chứng khoán 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, trọng tâm là hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển và phát huy ngày càng tốt hơn chức năng vai trò của TTCK với nền kinh tế. Tăng cường hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm đảm bảo minh bạch, an toàn cho TTCK và hệ thống tài chính quốc gia;
Thứ hai, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại TTCK theo hướng đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 sở GDCK, kết hợp lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ;
Thứ ba, phát triển các thị trường mới, sản phẩm mới nhằm tiếp tục hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam trong đó tập trung đưa sản phẩm chứng quyền có đảm bảo vào giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vào cuối quý I/2018; triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong quý III/2018; hoàn thiện các điều kiện về cơ sở pháp lý, hệ thống kỹ thuật cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể triển khai từ năm 2019; nghiên cứu cơ chế huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp qua sàn GDCK;
Thứ tư là tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu, giao dịch TPCP nhằm huy động vốn kịp thời, hiêụ quả cho ngân sách, đầu tư phát triển; tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách, đa đạng hoá cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành; nghiên cứu phát hành trái phiếu xanh và ban hành khung pháp lý quy định về phát hành trái phiếu xanh;
Thứ năm là tiếp tục thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong đó tập trung ban hành cơ chế về thị trường, dựng sổ nhằm cải tiến và thúc đẩy hoạt động đấu giá, cổ phần hoá gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo tinh thần Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Các yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2017 đang được nhìn nhận là vẫn sẽ phát huy vai trò trong năm 2018.
Cụ thể, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục duy trì tốc độ ở mức 6,5% - 6,8% nhờ khu vực tư nhân khởi sắc mạnh và là động lực quan trọng. Nếu các chính sách từ phía cung phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,8%. Bên cạnh đó, việc điều hành thị trường tiền tệ tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá USD/VND, khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ cao; năm 2018 tiếp tục cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại nhiều doanh ngiệp nhà nước… sẽ là những động lực cho đà tăng của thị trường chứng khoán 2018.