Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tỷ lệ huy động ngân sách không quá cao”

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:04, 02/11/2017

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tỷ lệ này không quá cao.

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về thu chi ngân sách, nợ công… Có ý kiến cho rằng rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao thứ ba sau Nhật và Trung Quốc. Tỷ lệ huy động thuế phí cao hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia. Đại biểu Lê Minh Chuẩn đoàn Quảng Ninh cho rằng vì thu không đủ chi nên đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tỷ lệ huy động ngân sách hợp lý giảm dần bội chi ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tỷ lệ huy động ngân sách không quá cao”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: MOF

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Tỷ lệ huy động ngân sách Việt Nam không phải quá cao như đại biểu đã phát biểu”.

Theo Bộ trưởng tỷ trọng huy động và ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% GDP trong đó động viên từ thuế và phí có 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017 tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân của các nước liên minh Châu Âu là 44,3% GDP. Của các nước phát triển và mới nổi ở Châu Á là 25,5%, GDP của một số nước trong khu vực như Trung Quốc 28,2%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%, Malaysia 20,4% v.v...

Bộ trưởng cũng lưu ý  khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý đảm bảo việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Ví dụ, số thu ngân sách của nhiều nước thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền Trung ương, trong khi số liệu của Việt Nam bao gồm cả 4 cấp ngân sách là ngân sách Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, theo quy định của Hiến pháp là ngân sách lồng ghép.

Bộ trưởng cho biết về phạm vi, thu ngân sách Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu từ vốn, thu từ bán tài nguyên quốc gia, và không được tính vào nguồn thu từ thuế và phí, ví dụ như Trung Quốc. Hoặc các nước phát triển cả huy động bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, trong khi Việt Nam lại loại trừ khoản này ra, rất là khác nhau nên so sánh phải đưa vào cùng bản chất, cùng nội dung để so sánh.

“Trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Người đứng đầu ngành tài chính cho hay chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu do chúng ta hội nhập nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP, đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội.

Để xử lý vấn đề này một cách căn cơ trong trung hạn và dài hạn Bộ trưởng Bộ Tài chính “cơ bản nhất trí" với một số đại biểu về việc cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp.

73,9 tỷ nghìn đồng nợ thuế

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tổng số nợ thuế đến ngày 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế có khả năng thu hồi, tức là nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày theo quy định là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày là 18.061 tỷ chiếm 24,4%.

Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, tự phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,2% tổng số nợ đọng thuế. Số này của 695.240 đối tượng, trong đó gồm 186.293 doanh nghiệp và 508.947 hộ kinh doanh và cá nhân. Bộ Tài chính đang tổng hợp phân tích, phân loại để báo cáo với Quốc hội để xóa, đủ điều kiện là phải xóa.

Loại trừ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, phá sản, mất tích, v.v... thì nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương với 3% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Mạnh Nguyễn