Nên có cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 13:42, 12/05/2012
Qua thông tin tổng hợp cho thấy, trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết duy trì Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tuy nhiên đã có rất nhiều đề xuất khác nhau về mô hình Ban chỉ đạo, trong đó có một số phương án nhận được nhiều ý kiến đề xuất.
Ảnh minh hoạ
Thứ nhất, Ban chỉ đạo ở Trung ương giữ như hiện nay, nhưng cần hoàn thiện thêm cơ chế hoạt động; bổ sung thành viên (cả chuyên trách và kiêm nhiệm); chuyển Văn phòng Ban chỉ đạo thành cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, đồng thời tăng trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho cơ quan thường trực này. Cụ thể, Ban chỉ đạo có các chức năng chủ yếu là “chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, đôn đốc” công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi toàn quốc, theo đó cơ quan thường trực ít nhất đảm nhiệm được hai chức năng là “kiểm tra và đôn đốc”. Một trong những ưu điểm của phương án nêu trên tránh được sự xáo trộn lớn.
Thứ hai, Ban chỉ đạo đặt trực thuộc Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban. Thành viên Ban chỉ đạo gồm Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng ban, các ủy viên như hiện nay. Chuyển Văn phòng Ban chỉ đạo thành cơ quan của Quốc hội giúp việc cho Ban chỉ đạo.
Thứ ba, Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư (hoặc Thường trực Ban Bí thư) trực tiếp làm Trưởng ban, một số ủy viên Bộ Chính trị là thành viên. Nếu theo phương án này, dự kiến thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.
Ngoài ra, có những ý kiến cho rằng, mô hình Ban chỉ đạo hiện nay vẫn còn mang tính chất hành chính trong hoạt động. Cơ quan PCTN ở Trung ương nên là một cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền để thực thi nhiệm vụ của mình trên cơ sở một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Vì vậy, đề xuất thành lập Ủy ban PCTN Trung ương dưới sự lãnh đạo của Đảng (trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng), được tổ chức độc lập, đủ thẩm quyền, đồng thời quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ.
V.Thành