APEC 2017: Hơn 1.000 lãnh đạo các tập đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:25, 10/10/2017
Thông tin tại cuộc họp báo về các sự kiện của doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong số 4 sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng, thì Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 là các sáng kiến của Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 với chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai” sẽ diễn ra từ ngày 8-10/11/2017. Đây là hội nghị thường niên lớn nhất và quan trọng bậc nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Hội nghị sẽ vinh dự được Chủ tịch Nước Trần Đại Quang tới phát biểu khai mạc, nhiều Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, tổ chức quốc tế sẽ tham luận và đối thoại với hơn 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy” sẽ được tổ chức vào ngày 07/11/2017. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ tổ chức tại Đà Nẵng.
Hội nghị này sẽ vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu. Tham gia Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín, các học giả cùng hàng trăm Lãnh đạo doanh nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương và quốc tế.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã thông tin sơ bộ về kết quả đạt được qua kỳ họp ABAC3 tại Toronto, Canada.
Theo đó, ABAC đánh giá cao những tác động tích cực của hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ và thị trường cởi mở. Nhờ đó, điều kiện sống của người dân tại các nền kinh tế thành viên trong khu vực được nâng cao hơn nhiều so với trước đây. ABAC3 cũng thống nhất rằng: "Với tầm nhìn dài hạn của chúng ta, không chỉ dừng lại ở một khu vực APEC cởi mở hơn và hội nhập hơn mà còn được thúc đẩy bởi niềm tin APEC sẽ mang lại tăng trưởng bền vững và bao trùm cho cộng đồng".
Ông Dũng cho biết trong 20 kiến nghị của ABAC gửi tới các nhà lãnh đạo APEC, có 6 kiến nghị liên quan đến hội nhập là: Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; Thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); Tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; Xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; Thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; Xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Về Kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người, có 4 kiến nghị: Ủng hộ chương trình kết nối APEC; Nâng cao kết nối kỹ thuật số và Internet; Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động có tay nghề và xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vào thị trường toàn cầu thông qua kinh tế số và thương mại điện tử.
Về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp MSME và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, có 10 kiến nghị, bao gồm: Đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo; Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính; Tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; Đẩy mạnh tính bao trùm trong kinh tế, tài chính và xã hội; Đảm bảo an ninh lương thực; Tăng cường an ninh năng lượng; Thúc đẩy tăng trưởng xanh; Đẩy mạnh tính bao trùm trong phát triển ngành khai khoáng; Xây dựng đội ngũ lao động có sức khỏe tốt; Tăng cường hợp tác công - tư về phát triển thị trường tài chính.
Đánh giá về những khuyến nghị được đưa ra tại ABAC3, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, cho rằng: “20 kiến nghị của ABAC đã chạm đến những vấn đề của các nền kinh tế thành viên APEC đang phải đối mặt. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chương trình nghị sự về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.