Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn vì thông tin thiếu minh bạch
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 08:17, 06/10/2017
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 5/10, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết có 8 nguyên nhân khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao.
Đó là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua; Nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy; Thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV; và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV; Bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh; Nợ xấu cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn (sau Nghị quyết 42 của Quốc hội) chưa xử lý dứt điểm; Thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN: đào tạo, tư vấn, thông tin….(Quỹ hỗ trợ DNNVV đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm được nhiều); Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển; Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.
DNNVV còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng
Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, ông Lực cho rằng một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các tổ chức tín dụng chưa có các sản phẩm-dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến tổ chức tín dụng chưa thể giải ngân.
Các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn thách thức khi cho DNNVV vay vốn bởi DN thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế (thiếu phương án kinh doanh khả thi...), khó cho vay dựa trên dòng tiền. Bên cạnh đó, DN thường ngại hoàn thiện thủ tục vay vốn (do thói quen, do thiếu thông tin, thiếu cán bộ hiểu biết về tài chính, về thủ tục vay vốn...); rủi to tín dụng cao, chi phí quản lý cho vay DNNVV cao trong khi DN chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro.
Bên cạnh nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, ông Lực cũng chỉ rõ một số nguyên nhân đến từ chính các doanh nghiệp. Đó là DNNVV có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu; trình độ lao động thấp; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; Sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế, thương hiệu trên thị trường; chủ yếu thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. Đặc biệt, DNNNV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội…
Còn theo bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DNNVV gặp khó khăn trong tiếp cận vốn bởi thủ tục vay vốn phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém. Đặc biệt, DN tư nhân/DNNVV có ít ưu thế hơn so với các DN nhà nước/DN lớn.
Để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, bà Hồng đưa ra một số kiến nghị giải pháp. Đó là minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về DNNVV để các TCTD có thể truy cập và sử (tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, tình trạng hoạt động... ).
Bên cạnh đó là phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV. Trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp với DNNVV: thủ tục, hồ sơ, lãi suất, tài sản đảm bảo…; Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi. Ttăng cường liên kết NH với doanh nghiệp, NH với các định chế tài chính hỗ trợ DNNVV, với các hiệp hội DN. Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DNNVV; Tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DNNVV trên thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính.
Ở nước ta hiện nay DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội, trên thực tế không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo đủ 100% vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng của ngân hàng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị cải tiến phương thức kinh doanh. Từ đó góp phần thúc đẩy tạo điều kiện cho quá trình phát triển sản xuất kinh doanh đựơc liên tục.
“Chỉ có tín dụng ngân hàng mới có thể giúp doanh nghiệp thưc hiện được mục đích của mình là mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Chúng tôi hy vọng với những quyết sách của Chính phủ hiện nay sẽ có những văn bản ban hành thiết thực hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng cho DNNVV, lực lượng doanh nghiệp quan trọng hiện nay của nền kinh tế tạo việc làm, góp phần an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Quốc Anh nói.