Bộ Tài chính: Điều chỉnh thuế GTGT tác động đến người dân không nhiều
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 13:54, 31/08/2017
Bộ Tài chính đã công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế tài nguyên. Dự thảo này của Bộ Tài chính, đặc biệt là về việc tăng thuế GTGT khiến nhiều chuyên gia băn khoăn bởi sự e ngại những tác động của việc này đến nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giải đáp rõ hơn đối với dự thảo sửa đổi 5 luật thuế, trong đó có thuế GTGT.
Cụ thể dự thảo sẽ tập trung sửa đổi 7 nội dung của Luật Thuế GTGT, trong đó có 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gồm: Chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT; Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT; Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.
Ba nội dung sửa đổi khác nhằm bảo đảm tỉ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, hiện luật thuế GTGT quy định 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hoá chịu thuế 5%. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hoá thiết yếu này.
Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực-thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh-buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp, 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp… đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.
“Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo là không nhiều Hơn nữa, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, gia đình chính sách…”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói..
Về ý kiến cho rằng, dự án Luật thuế Giá trị gia tăng sẽ gây tác động lên lạm phát, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng khẳng định, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động tới lạm phát là tương đối hạn chế.
Trước đó, trả lời trên VNN, ông Vũ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cũng nói rằng việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.