Tại sao chậm ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh đối với ô tô?

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 07:57, 31/08/2017

Theo đúng lộ trình, Nghị định về điều kiện kinh doanh đối với ô tô đã phải có hiệu lực từ 1/7/2017. Tuy nhiên đến nay, Nghị định vẫn chưa được ban hành, về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có câu trả lời tại họp báo Chính phủ mới diễn ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Nghị định về các điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô cũng như điều kiện về các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô được các doanh nghiệp, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Trước hết, Nghị định này điều chỉnh các quy định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lắp ráp; các doanh nghiệp nhập khẩu; các trung tâm bảo hành bảo dưỡng ô tô. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT để triển khai xây dựng Nghị định này.

Luật Đầu tư quy định các nội dung liên quan đến Nghị định này có hiệu lực từ 1/7/2017. Đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT để hoàn thiện dự thảo trình phê duyệt. Trước đó đã thành lập các Tổ công tác đến từng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn trên cả nước, các doanh nghiệp FDI, các nhà nhập khẩu ô tô, các doanh nghiệp kinh doanh… Bộ cũng đã có báo cáo tổng hợp kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp này trình Chính phủ đúng thời hạn.

Tuy nhiên, Nghị định này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của rất nhiều đối tượng doanh nghiệp. Trước hết là các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thứ hai là các doanh nghiệp nhập khẩu, gồm các doanh nghiệp chính hãng, và các doanh nghiệp nhập nhỏ lẻ. Nghị định cũng liên quan đến các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Chúng tôi cũng đã làm theo hướng trước hết là bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả sản xuất lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu, kinh doanh ô tô.

Thứ hai, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Rõ ràng là nếu ưu tiên vào một đối tượng doanh nghiệp nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ ba, chúng ta vẫn phải bảo vệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây có thể là doanh nghiệp của Việt Nam, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo quy định pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến nay, Nghị định đã qua nhiều bước giải trình, sửa đổi, hoàn thiện bảo đảm văn bản đạt chất lượng cao nhất, dễ triển khai sau khi được ban hành. Hiện tại, dự thảo Nghị định đã được xin ý kiến của các thành viên Chính phủ, và chúng tôi hy vọng trong thời gian rất sớm, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định mà theo chúng tôi là rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

PV