Sử dụng nhà ở sai mục đích: Sao lại phạt?
Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 11/05/2012
.
Hầu hết các nhà mặt phố đều sử dụng làm mặt bằng kinh doanh
Các quan chức Bộ Xây dựng giải thích rằng, về nguyên tắc, dù là căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ thì chức năng đều là để ở, đã được tính toán theo quy hoạch khu vực ở. Việc sử dụng sai công năng nhà ở thành kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất… là vi phạm. Thiết kế nhà ở hoàn toàn khác biệt với trường học, nhà hàng, bệnh viện, văn phòng… nên việc tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang mục đích khác là không phù hợp. Ngoài ra, sử dụng nhà ở sai mục đích còn làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng, an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… Do đó, văn bản của Bộ Xây dựng cho rằng nếu nhà để ở mà sử dụng sai mục đích là vi phạm, nếu căng theo luật có thể bị phạt theo Nghị định 23/2009 là hợp lý?!.
Cứ theo hướng dẫn này thì cả triệu người dân sẽ bị mất quyền sử dụng nhà ở - tài sản lớn nhất của gia đình, rất có thể việc này là vi hiến và vướng nhiều bộ luật khác. Nhà thừa kế, nhà tự xây, nhà chung cư đều là tài sản hợp pháp của công dân và công dân có quyền sử dụng theo ý mình những gì mà pháp luật không cấm. Chẳng hạn nhà ở được dùng để kinh doanh các ngành hàng không bị cấm từ nhiều năm nay, thậm chí từ khi chưa có Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Luật pháp không cấm, cơ quan chức năng cấp giấy phép, thuế má đầy đủ, nay ông xây dựng viện cớ quản lý nhà ở nhào dô đòi xử phạt! Chuyện như đùa! Quy định vô lối này đụng chạm đến quyền lợi và đời sống của hàng triệu người ở đô thị đang sử dụng nhà mặt tiền để buôn bán mưu sinh. Những người không biết buôn bán thì cho thuê một phần diện tích nhà ở của mình để có thêm thu nhập.
Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại rằng chính Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008 của Bộ Xây dựng). Theo đó quy định nghiêm cấm “kinh doanh các ngành nghề và các loại hàng hóa dễ gây cháy nổ (kinh doanh hàn, gas, vật liệu nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm khác); kinh doanh dịch vụ mà gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường (nhà hàng karaoke, vũ trường, sửa chữa xe máy, ô tô; lò mổ gia súc và các hoạt động dịch vụ gây ô nhiễm khác)”. Như vậy, ai cũng có thể hiểu rằng ngoài các ngành bị nghiêm cấm ra thì các ngành nghề khác vẫn có thể được kinh doanh tại nhà chung cư! Điều 8 của luật Nhà ở chỉ lưu ý “không được sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật”.
Vậy là rõ, Bộ Xây dựng đã tự mâu thuẫn khi tham mưu xây dựng Nghị định số 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý phát triển nhà và công sở… Không lẽ tay này cởi tay kia trói? Nếu vậy Nghị định 23/2009 có tự mở rộng vấn đề ngoài luật và đang đánh đố những người thực hiện về cái gọi là “trái mục đích”? Xem ra các quy định này nọ liên quan đến dân cần được phản biện, phân tích kỹ càng trước khi ban bố kẻo cứ chốc chốc lại thay lại đổi lại lui thời hạn sử dụng.
Bảo Dân