Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 16:03, 15/11/2018

Với tỷ lệ 444/447 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 91,55% tổng số đại biểu), Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều nay (15/11).

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Luật gồm 5 chương, 28 điều được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật sẽ thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hiện hành.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật khẳng định rõ, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thuộc 15 lĩnh vực.

Theo đó, trong lĩnh vực chính trị bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật trong lĩnh vực y tế.

Luật cấm hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...

Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

Độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

Còn độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trước khi thông qua toàn bộ nội dung Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sửa đổi, Quốc hội đã bỏ phiếu riêng với Điều 7 và Điều 9.

Điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước quy định thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Có 439 đại biểu chiếm 90,52% đại biểu tán thành với quy định tại điều 7 và 4 đại biểu không tán thành, chiếm 0,82%.

Đối với Điều 9 về Ban hành Danh mục bí mật nhà nước, có 442 đại biểu tán thành, chiếm 91,13%.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cho biết, đối với Điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành sẽ là văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

“Đối với một số luật có nội dung liên quan đến việc công khai thông tin, Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và thấy rằng, một số luật có quy định cụ thể những thông tin cần được công khai dựa trên nguyên tắc “chỉ công khai các thông tin không thuộc bí mật nhà nước” hoặc đã có quy định loại trừ các trường hợp thông tin là bí mật nhà nước,”

Theo ông Võ Trọng Việt, trên thực tế, việc công khai thông tin cần được xác định theo những giai đoạn nhất định; trong đó có những thông tin đang trong quá trình xây dựng hoặc liên quan đến quá trình xây dựng, hình thành thông tin thì cần giữ bí mật để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Điều 9 về ban hành danh mục bí mật nhà nước được xây dựng theo hướng không quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

“Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục cụ thể về bí mật nhà nước theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, như vậy không phải tất cả các thông tin trong các lĩnh vực này đều là mật. Nghiên cứu pháp luật về bảo vệ bí mật của một số nước cũng có quy định tương tự về phạm vi bí mật nhà nước,” ông Võ Trọng Việt nói.

Ngọc Mai