“Giải cứu” thịt lợn trong dân: Giá thịt lợn hơi đã tăng lên

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:42, 05/05/2017

Hàng loạt biện pháp "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn hiện nay đã và đang được các Bộ, ngành tham gia, nhờ đó giá thịt lợn hơi trong những ngày gần đây đã tăng lên.

“Giải cứu” thịt lợn trong dân: Giá thịt lợn hơi đã tăng lên

Giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đ/kgi. Ảnh minh họa

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn về “giải cứu” thịt lợn trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết hiện ba giải pháp mà Bộ NN&PTNT đang tập trung vào gồm:

Thứ nhất là phải giải quyết tốt quan hệ cung-cầu, đồng thời rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý. Trước mắt, Bộ NN&PTNT đang có các giải pháp để kiểm soát lợn nái, đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai là tổ chức liên kết chuỗi, theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất với Chính phủ thay đổi một số cơ chế chính sách nhưng với quan điểm chung là không có việc hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường.

Giải pháp thứ ba là giải quyết vấn đề mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn hững năm trước, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của Việt Nam. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn khoảng dưới 10% so với năm ngoái, vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn.Hiện nay việc tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để sang các nước khác, trong đó có Trung Quốc, thịt gia súc, gia cầm bằng khoảng 52-55% sản lượng sản xuất.

Liên quan đến vấn đề yêu cầu tạm ngừng tạm nhập tái xuất thịt lợn trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn giải thích rằng Chính phủ đã chỉ đạo, không phải cấm tạm nhập tái xuất mà kiểm soát chặt chẽ tạm nhập tái xuất theo quy định để không có việc luân chuyển tạm nhập tái xuất thẩm thấu vào thị trường nội địa một cách không hợp pháp. “Nếu như tạm nhập tái xuất tăng mãi thì có thể ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gia súc, gia cầm của chúng ta. Tất nhiên chúng ta sẽ thực hiện kiểm soát này theo đúng quy định của Việt Nam và theo các hiệp định thương mại, nhất là của WTO”, Thứ trưởng nói.

Một thông tin đáng mừng được đại diện Bộ NN&PTNT cho biết là nhờ các biện pháp đồng bộ và quyết liệt của các cấp, các ngành, hiện giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đ/kg. Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán 10-20%. Còn vẫn đề cân-bằng cung cầu đang được cố gắng để có thể giải quyết trong khoảng 2-3 tháng nữa.

Cũng liên quan đến khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay là việc các doanh nghiệp và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ. Vấn đề này được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng.

“Quan điểm của NHNN là sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay” Phó Thống đốc khẳng định.

Đại diện NHNN cũng cho biết thêm, đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ.

Mạnh Nguyễn