Hao phí, thất thoát ở ngành điện còn cao
Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012
Năm 2009, tổn thất điện năng khoảng 9,57%, năm 2010 khoảng 10,15%. Còn năm 2011 thì tổn thất điện năng thực tế là 9,65%. Mặc dù EVN có cố gắng trong việc hạ thấp hao hụt điện năng nhưng cố gắng đó xem ra chưa đủ.
Việc thất thoát điện lớn có nguyên nhân hạ tầng cũ, quản lý yếu kém...
Quản lý yếu kém, kết cấu hạ tầng cũ, dẫn đến thất thoát điện lớn. Thất thoát nhiều thì giá thành tăng và người dân sẽ gánh chịu, mặc dù về nguyên tắc, ngành điện phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát này.
Hiện nay, EVN đã có kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Vậy số vốn này sẽ dùng để làm gì? Một số ý kiến đề nghị EVN tập trung cho việc đầu tư công nghệ, đầu tư cho quản lý để nhanh chóng cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, giảm bớt tổn thất về điện năng. Bên cạnh đó là để tập trung xây dựng các hệ thống chuyển tải điện, đảm bảo cho việc phát điện sau này. Có ý kiến cho rằng nên quy định mức trần thất thoát của ngành điện.
Để hạ giá thành thì vấn đề tiết kiệm chi phí cũng rất quan trọng. Năm vừa rồi, EVN cho biết đã tiết kiệm được hơn 400 tỷ đồng. Nhưng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tỏ ra băn khoăn: Lãnh đạo EVN nghĩ sao khi mà hàng năm các Bộ, các ngành, các cấp tiết kiệm được 10% chi phí thường xuyên để cho an sinh xã hội và để tái cơ cấu về chi ngân sách.
Với trách nhiệm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, EVN nghĩ sao trong chuyện này? Liệu EVN có thể giảm được từ 5 đến 10% chi phí quản lý và chi phí thường xuyên hay không? Nếu giảm được 5-10% chi phí quản lý và chi phí thường xuyên, sẽ giảm đáng kể được giá thành điện. “Nhân dân, doanh nghiệp chia sẻ với điện lực thì điện lực cũng nên chia sẻ với đất nước” - ông Huệ nói.
Đầu tư công nghệ, đầu tư đổi mới quản lý để tiết giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm không chỉ là đòi hỏi đối với EVN mà còn là vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.
Trung Nguyễn