Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:05, 14/04/2017
Vậy nên xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để thúc đẩy công tác PCTN là mục đích mà VCCI muốn hướng đến trong cuộc hội thảo về vấn đề này ngày 12/4.
Tham nhũng cản trở sự phát triển
Năm 2017 là năm Việt Nam thúc đẩy nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết trong APEC về minh bạch hóa và phòng, chống tham nhũng (PCTN); xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch; thúc đẩy các tiêu chuẩn chống tham nhũng trong khu vực tư và các sáng kiến liêm chính trong kinh doanh.
Theo báo cáo phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh của Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR), tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến, đe dọa sự phát triển của nền kinh tế và gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Tham nhũng làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp sáng tạo, cản trở cạnh tranh lành mạnh và suy giảm chất lượng của nền kinh tế. Đặc biệt, tham nhũng tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp dưới các hình thức hối lộ, trốn thuế và rửa tiền…
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp như cải cách thể chế, đơn giảm hóa thủ tục hành chính để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa đạt hiệu quả cao do chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực đăng ký thành lập DN, thủ tục đầu tư.
Năm 2016, Tổ chức minh bạch quốc tế cũng đã có báo cáo dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo DN là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (lần lượt là 48% và 57%).
Báo cáo cũng chỉ ra, DN được nhìn nhận đóng vai trò “mắt xích kép”: vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Có đến 66% DN dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời 61% DN có hành vi biếu tiền và hầu như các DN đều có “lại quả” cho các đối tác.
Khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tiến hành năm 2012 cũng cho thấy, DN coi tham nhũng là vấn đề bức xúc chỉ sau vấn đề giá cả sinh hoạt.
Làm thế nào để các DN tham gia vào liêm chính?
Nghiên cứu về “Phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh: “Đánh giá dưới góc nhìn thực tiễn của DN” do Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) tiến hành cho thấy, Chính phủ đã có nhìn nhận tích cực về vai trò của DN và khuyến khích DN áp dụng các biện pháp PCTN nội bộ cũng như phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN.
82,5% DN được phỏng vấn đã thể hiện cam kết PCTN trong bộ quy tắc ứng xử nhưng việc đưa ra cam kết lên sản phẩm hoặc công khai qua các chiến dịch truyền thống, quảng cáo còn chưa phổ biến. Nhưng các DN vẫn cho rằng việc xóa bỏ hoàn toàn chi phí bôi trơn cho các thủ tục hành chính là chưa thực sự hiệu quả khi các lỗ hổng trong quy định pháp luật vẫn tạo cơ hội để CBCC gây phiền hà cho DN và đòi hối lộ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Hồng Khoái, Phó TGĐ Công ty TNHH tư vấn và phát triển doanh nghiệp KN Hà Nội cho rằng, DN hiện nay hoạt động đang phải chịu sự điều chỉnh của cả rừng luật mà các cơ quan quản lý ban hành, trong đó không ít những văn bản chồng chéo, thiếu khả thi. Nếu như năm 2015, chỉ tính riêng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ban hành 5.800 văn bản, công văn các loại; thì năm 2016 con số này là 6.400 văn bản. Nếu tính bình quân vào khoảng 25 văn bản/ngày. Vậy với số lượng văn bản đó liệu có bị trùng lắp hay không và DN sẽ xử lý thế nào? “Thà rằng phong bì cho xong để đỡ mất công”, ông Nguyễn Hồng Khoái nói.
Chia sẻ kinh nghiệm “hành động tập thể, tăng cường liêm chính trong kinh doanh tại khu công nghệ cao TPHCM”, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP. HCM cho biết, từ năm 2008, các DN đã cùng nhau ký cam kết phòng chống tham nhũng trong kinh doanh. Một vài DN gặp khó khăn trong khi làm việc với các cơ quan cấp phép nhưng họ không biết phải làm thế nào và có thể nhận được lời khuyên và sự trợ giúp từ đâu.
Bà cũng cho biết thêm, thực tế cũng nhiều DN muốn được đầu tư vào Việt Nam nhưng không có đủ những điều kiện cần thiết nên cũng gợi ý đưa ra những khoản chi phí để được vào đầu tư…hoặc cán bộ phía Việt Nam cũng có những gợi ý về điều đó…
Theo bà Rachel Chow, Liên minh liêm chính DN Malaysia, cho biết: so với các DN lớn thì các DNNVV khó hành động liêm chính nên thường chọn “đưa tiền là nhanh nhất”. Theo bà Rachel, các DN cần có “hoạt động tập thể” để có tiếng nói mạnh hơn, có sức ảnh hưởng hơn, đòi hỏi các cơ quan nhà nước để ý và “nghe lời”.
Ở Philippines, các DN từ chối hối lộ với lý do “đã ký cam kết liêm chính” và nhận thức rõ nếu hối lộ thì sẽ thiệt thòi nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Peter Angelo Perfecto, Phó Chủ tịch phụ trách Hoạt động, sáng kiến liêm chính Philippines, cho rằng nhiều vấn đề phiền nhiễu DN là từ quá trình thực hiện chính quyền địa phương hay cán bộ thực thi chứ không phải là từ chính sách của Trung ương.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: để có Chính phủ liêm chính thì DN cũng phải liêm chính” và “DN không nên chấp nhận “đưa phong bì” để giải quyết việc”. Hiện nay Chính phủ nhìn nhận tích cực về vai trò của DN và khuyến khích DN áp dụng các biện pháp PCTN nội bộ cũng như phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những vấn đề thúc đẩy trong PCTN, không chỉ thể hiện cam kết thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), cam kết trong khuôn khổ hợp tác trong khu vực mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính.
Trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của TTCP đã có đánh giá, phân tích, một trong những quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư chính là môi trường đầu tư kinh doanh không bảo đảm minh bạch, có sự bất bình đẳng khi còn những rào cản, yếu tố tạo ra nguy cơ tham nhũng hiện hữu.
Thực tế cho thấy, ở những nơi tham nhũng hoành hành, các DN nước ngoài đều không sẵn lòng đầu tư vì các chi phí kinh doanh tăng cao hơn đáng kể. DN Việt Nam chưa đẩy vấn đề ở mức độ tuân thủ tương xứng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN. Quan trọng hơn, các DN nước ngoài nói không với tham nhũng, nhất quyết không chấp nhận những dấu hiệu có yếu tố tiêu cực và sẽ lựa chọn những đối tác có cam kết liêm chính, lãnh đạo Vụ Pháp chế nhấn mạnh.