Dịch vụ logistic: Miếng bánh nào cho doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:26, 07/03/2017
Logistic nằm trong tay doanh nghiệp ngoại
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng hiện trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp.
Ba lý do dẫn đến tình trạng trên được ông Hải chỉ ra là do số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn quá ít, chỉ vào khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp; mức độ đóng góp cho nền kinh tế của ngành dịch vụ logistics còn thấp, mới chỉ vào khoảng 2-3% GDP. Nguyên nhân thứ ba là tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistics chưa cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại vẫn phải tự thực hiện các dịch vụ logistics, khiến hoạt động này kém hiệu quả.
Hiện chi phí logistics của nước ta còn tương đối cao. Ảnh minh họa.
Nói thêm về thực trạng của Logistic Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam cho biết hiện chỉ có 20% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam, 80% còn lại đang nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.
Logistics đóng vai trò quan trọng với sức cạnh tranh của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, nhưng hiện chi phí logistics của nước ta còn tương đối cao, tương đương với khoảng hơn 20% GDP, gần gấp đôi so với các nước phát triển. Thực trạng này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chứng minh bằng một ví dụ thật rõ ràng: “Chi phí vận chuyển một con tôm từ đồng bằng sông Cửu Long lên biên giới phía Bắc còn cao hơn chi phí vận chuyển một con tôm từ Ecuador về Việt Nam”.
Một thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị của Bộ Công Thương là các doanh nghiệp Logistic Việt Nam có vốn điều lệ bình quân chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 72% với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài…Tất cả đã khiến doanh nghiệp logistic Việt Nam thiếu đi khả năng cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại, đồng thời khiến cho hàng hóa của Việt Nam thua ngay trên sân nhà do phải gánh nhiều chi phí kho vận.
Đưa hoạt động logistic lên tầm cao mới
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 của Việt Nam đạt tới 300 tỷ USD và dự báo mức tăng trưởng có thể từ 8-10% đều đặn trong những năm tới sẽ là điều kiện để đưa logistics lên tầm cao mới.
Trước đó, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.
Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.
Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực và Các nhiệm vụ khác.
Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ;...
Với nhóm nhiệm vụ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến: Ngành dệt may, ngành da giầy, ngành đồ gỗ, ngành nông sản - thực phẩm; ngành cơ khí - chế tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics;...
Còn với nhóm nhiệm vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics;..
Hiện các doanh nghiệp logistics đang rất kỳ vọng kế hoạch hành động của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương sẽ giúp cho ngành logistic Việt Nam lớn mạnh. Các chuyên gia cũng đánh giá, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng. Việc gia nhập hàng loạt các sân chơi, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là cơ hội để logistics vươn lên tầm cao mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi sự đổi mới để cạnh tranh.