Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong trong tuân thủ pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 10/11/2018
Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đại diện các Bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhằm đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ
Sau 05 năm kể từ Lễ công bố (ngày 09/11/2013), Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thực chất, gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, trọng tâm bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; thiết lập hành lang pháp lý minh bạch, khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo; vận động, thu hút nhân dân tham gia, tạo cơ chế phản biện, sự đồng thuận xã hội trong xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật được đẩy mạnh, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; hạn chế oan sai, khiếu nại, khiếu kiện; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng.
Đó là: Tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật và việc hưởng ứng Ngày Pháp luật;
Đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới công tác PBGDPL, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người;
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL; phát huy vai trò của nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật; nâng cao năng lực xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật…
Các đại biểu dự buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, qua 5 năm, Ngày Pháp luật đã được các cấp ủy đảng, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương hưởng ứng tích cực, được tổ chức ngày càng nề nếp, thiết thực và hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo.
Trong đó, đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả; khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp;…
“Hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật và sự hưởng ứng rộng rãi, thiết thực của các tầng lớp nhân dân đối với sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chỉ ra những điểm hạn chế, tồn tại.
Đó là: việc hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao; hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, ngay cả trong một số cán bộ, công chức thực thi công vụ; việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn lúng túng, chất lượng chưa được như mong muốn.
Để Ngày Pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội quán triệt thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ hai, chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật để phục vụ đắc lực hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, để các hoạt động này gần gũi và cần thiết hơn đối với mỗi cộng đồng, mỗi người dân; đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước là lực lượng nòng cốt; đồng thời cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia.
Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã tặng Bằng khen cho 05 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, phổ biến, thi hành, bảo vệ pháp luật và tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 60 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này.