Còn 718 DNNN cần phải cổ phần hóa

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 08:15, 19/12/2016

Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến hết tháng 10/2016 cả nước còn 718 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần sắp xếp cổ phần hóa.

Còn 718 DNNN cần phải cổ phần hóa

Tổng số DNNN được sắp xếp từ trước đến nay là 5.950 doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị triển khai một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán diễn ra mới đây, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch số lượng, riêng 10 tháng năm 2016 đã cổ phần hóa được 48 doanh nghiệp Nhà nước.

Nếu tính từ trước đến nay, tổng số DNNN đã được sắp xếp là 5.950 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.460 doanh nghiệp, tính đến hết tháng 10/2016 còn 718 doanh nghiệp Nhà nước cần phải cổ phần hóa.

Đến nay, vẫn còn gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường tập trung theo quy định hiện hành. Việc này khiến cho việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.

Trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; hoàn thành kề hoạch sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN; thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN với những nhóm giải pháp cụ thể.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH cùng với Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Theo đại diện của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, việc ban hành Thông tư 115 và Nghị định 145 là thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng đã tạo hiệu ứng nhất từ trước đến nay của cơ quan quản lý về CPH DNNN, giúp DN tự động thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM, góp phần tăng cường tính thực thi của pháp luật.

Thông tư 115 cũng đã khắc phục tình trạng các doanh nghiệp đã CPH nhưng chậm trễ niêm yết trên TTCK mà không cần dùng các chế tài và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành khác, đồng thời  tăng tính minh bạch của DN, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; phù hợp tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Mạnh Nguyễn