Tránh quy định về đặc xá trùng lắp với tha tù trước thời hạn
Chính trị - Ngày đăng : 22:00, 07/11/2018
Quy định ba thời điểm đặc xá
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, trao cơ hội cho người chấp hành án trở về với đời thường trở thành người có ích cho xã hội. Dự thảo Luật quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.
Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá. UBTVQH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Dự thảo Luật do Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù.
UBTVQH cho rằng: quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Bởi theo quy định của BLHS thì người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... nên được tạm đình chỉ chấp hành. Do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp. UBTVQH đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).
Theo ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), thực tế thi hành Luật Đặc xá hiện nay cho thấy, thời điểm đặc xá thường rơi vào các ngày lễ lớn với số lượng người đặc xá đông. Ngoài ra, theo quy định của BLHS 2015, Chánh án TANDTC xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện 3 lần/năm. Nếu thực hiện đặc xá nhân các ngày lễ lớn của đất nước hàng năm như ngày Quốc khánh 2/9, ngày 30/4, như vậy sẽ có trùng đối tượng tha tù trước thời hạn có điều kiện của Chánh án TANDTC.
Hơn nữa, theo bà Trang, trong một năm có rất nhiều lần tha tù trước thời hạn. Vì vậy, không nên quy định thời điểm đặc xá là các ngày lễ lớn, chỉ nên tập trung vào sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời nên quy định có khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá có thể tối thiểu 3 năm giữa hai lần đặc xá.
Dự thảo Luật quy định điều kiện được đặc xá gồm: Đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. UBTVQH cho rằng, quy định như vậy là chặt chẽ nhưng trùng lặp với điều kiện tha tù trước thời hạn quy định tại Điều 66 của BLHS. Quy định này có thể dẫn tới không còn hoặc còn rất ít đối tượng để xét đặc xá vì các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện (mỗi năm 3 đợt), chưa thể hiện đúng tính chất của đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang
UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của Luật hiện hành là người được đề nghị đặc xá phải đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Theo ĐB Phạm Thu Trang, khoản 2 Điều 11 quy định Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định thuộc một trong các trường hợp, như đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù. Người có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người phạm tội là người dưới 18 tuổi nhưng lại không giới hạn thời gian chấp hành án ít nhất là bao lâu.Vậy nên cần thống nhất, tránh tùy nghi, không đảm bảo sự công bằng.
Chưa có chế tài kiểm soát Tổ thẩm định
Một nội dung nữa được các ĐB quan tâm là dự thảo Luật lần này đưa ra quy định mới về nhiệm vụ của Tổ thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập thực hiện nhiệm vụ xem xét điều kiện đặc xá. Đây là quy định mới so với luật hiện hành.
Theo ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) thì quy định tại Điều 15, 16, 36 quy định về nhiệm vụ của Tổ liên ngành chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Nhất là kết quả thẩm định của Tổ liên ngành là tư liệu căn cứ pháp lý đầu vào rất quan trọng để các cơ quan, thủ trưởng cơ quan lập hồ sơ trình Hội đồng đặc xá. Trong dự thảo Luật chưa có chế tài để kiểm soát và phê duyệt kết quả của Tổ thẩm định này. “Trong thực tiễn, việc sai sót, nhầm lẫn thường xảy ra ở khâu ban đầu là khâu thẩm định, khi tập hợp hồ sơ có những đối tượng đủ điều kiện đặc xá lại nằm trong danh sách không đủ điều kiện và ngược lại. Do vậy, tôi đề nghị ngay trong dự thảo cần cụ thể hóa ngay trong luật những chế tài để kiểm tra và phê chuẩn kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành”, ĐB nói.
Cũng vấn đề này, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, Điều 36 quy định thành viên Tổ thẩm định liên ngành bao gồm đại diện của các cơ quan Trung ương, trong đó không quy định thành phần cứng là đại diện của chính quyền địa phương là không hợp lý và dễ nhầm lẫn, bỏ sót hoặc không công bằng trong quá trình đặc xá. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung thành phần cũng như các nội dung có liên quan về trách nhiệm, nghĩa vụ và các nội dung có liên quan của Tổ thẩm định.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu Điều 37 của dự thảo Luật quy định về trường hợp người có đủ điều kiện nhưng không được đưa vào danh sách được đặc xá có quyền khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền. Đây là một quyền có ý nghĩa không những đối với người có thể được đề nghị đặc xá mà còn có ý nghĩa đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đặc xá.
Giải trình thêm một số vấn đề, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn hoặc trường hợp đặc biệt. Quan điểm của Ban soạn thảo từ trước đến nay thì đây là chính sách khoan hồng đặc biệt do người đứng đầu Nhà nước quyết định. Do đó, phải phân biệt với chính sách khoan hồng đang song song tồn tại hiện nay. Đó là: Miễn chấp hành hình phạt theo BLHS 2015, giảm mức hình phạt đã tuyên và tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vì vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kế thừa Luật hiện hành và quy định đặc điểm mang tính chất đặc biệt của đặc xá.