Tham nhũng vặt cũng phải chống
Chính trị - Ngày đăng : 14:50, 09/05/2012
Bản báo cáo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện. Nhóm công tác đã tổng kết dữ liệu từ phần trả lời phỏng vấn của 13.642 người dân trên cả nước. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là một trong 6 lĩnh vực nội dung được đo lường trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Không quá bất ngờ khi kết quả khảo sát cho thấy tham nhũng nổi cộm ở các ngành và lĩnh vực PAPI đo lường. Kết quả khảo sát việc đưa hối lộ trong khu vực công cho thấy, có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công (31%), xin việc vào làm trong khu vực nhà nước (29%), xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (21%), để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và trong xin cấp giấy phép xây dựng (16%). Ngoài ra, 13% người dân cho rằng cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.
Ảnh minh họa (internet)
Khảo sát việc kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trên toàn quốc, chỉ có 22,95% số người được hỏi cho rằng chính quyền tỉnh của họ đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tỉ lệ cao nhất (50,66%) là ở Hà Nội và Bạc Liêu thấp nhất (5,39%).
Trong y tế và giáo dục công lập, 46,52% số người được hỏi cho biết không có hiện tượng phải đưa hối lộ để được chăm sóc y tế tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện/quận.
Trong lĩnh vực đất đai, chỉ số PAPI cho biết phần lớn người dân không được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Có đến 80% số người được hỏi không được biết gì về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã, phường. Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất trong số bốn loại thủ tục và dịch vụ hành chính công được đo lường qua khảo sát PAPI năm 2010 và 2011.
TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết “triết lý của nghiên cứu PAPI là nhìn từ góc độ người dân là ‘khách hàng’ sử dụng dịch vụ của nền hành chính công, có đủ khả năng thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền nơi họ sinh sống”.
Trong khi đó, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, chỉ số PAPI giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng như cộng đồng phát triển quốc tế hiểu được tâm tư, nguyện vọng, trải nghiệm của người dân, từ đó rút bài học cụ thể nhằm giảm bớt tham nhũng, cải thiện hiệu quả và hiệu lực của công tác quản trị công, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính công.
Tham nhũng vặt cũng phải chống bởi nếu vấn nạn này không được ngăn chặn rất dễ trở thành tia lửa nhỏ có thể đốt cháy đồng cỏ rộng!
Bảo Dân