Vụ TIE Miền Bắc bị tố “ăn cắp” thương hiệu Vĩnh Tiến: Ai mới thật sự nhái mẫu mã?
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:22, 01/11/2016
Từ chuyện tố cáo “ăn cắp” thương hiệu
Năm 2014, nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Công ty CP Vĩnh Tiến (số 87 Cao Xuân Dục, P2, Q8, TP.HCM) và Công ty CP TIE (số 52 Thành Thái, P12, Q10, TP.HCM) góp vốn thành lập Công ty TNHH Vĩnh Tiến – TIE (gọi tắt Công ty Vĩnh Tiến – TIE) có trụ sở tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông Lâm An Dậu ( đại diện Công ty CP Vĩnh Tiến, đơn vị góp 51% vốn tại Công ty Vĩnh Tiến - TIE) làm Chủ tịch HĐTV Công ty Vĩnh Tiến – TIE.
Ngày 23/9/2014, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến và Công ty Vĩnh Tiến – TIE ký “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)”. Theo đó, Công ty Vĩnh Tiến - TIE được sử dụng nhãn hiệu “VINH TIEN” và “VIBOOK” của Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến với điều kiện: mỗi sản phẩm của Công ty Vĩnh Tiến - TIE bán ra mang thương hiệu trên phải trả mức phí sử dụng nhãn hiệu là 2,5% cho Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến.
Ngày 19/5/2016, ông Lâm An Dậu đã bán lại toàn bộ số cổ phần của mình tại Công ty Vĩnh Tiến – TIE cho Công ty CP TIE. Ngày 20/7/2016, Công ty Vĩnh Tiến – TIE đã được đổi tên thành Công ty TIE Miền Bắc.
Chủ tịch HĐTV Công ty Vĩnh Tiến - TIE Lâm An Dậu (người ôm hoa) chủ trì buổi khánh thành nhà máy ngày 8-5-2015
Sau khi thoái vốn và bị bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV tại Công ty Vĩnh Tiến – TIE (gọi tắt là Công ty TIE Miền Bắc), ông Lâm An Dậu đã có những động thái gây khó khăn cho Công ty TIE Miền Bắc khi gửi công văn đi nhiều nơi để tố cáo Công ty TIE Miền Bắc “ăn cắp” nhãn hiệu “VINH TIEN” và “VIBOOK” của Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến.
Trong công văn gửi các đối tác, khách hàng của TIE Miền Bắc, ông Dậu cho rằng: “Ngay sau khi ký hợp đồng, TIE Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm in nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và cả logo hình con nai (không có trong hợp đồng) mà không thông báo. Hơn thế, cũng không thanh toán bất kỳ khoản phí sử dụng thương hiệu, cũng như không báo cáo số lượng hàng hóa sản xuất, bán ra... Chính vì thế, ngày 8/6/2015, Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã thông báo cho Công ty Vĩnh Tiến – TIE về việc chấm dứt “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” nêu trên.
Công ty TIE trao quà cho học sinh Cần Giờ
Ông Dương Phạm Đăng Khoa, Trưởng ban Pháp chế Công ty CP TIE (đơn vị nắm 90% vốn tại TIE Miền Bắc) khẳng định: “Những điều ông Dậu phản ánh như trên là hoàn toàn sai sự thật”.
Theo đó, “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” đến nay vẫn còn hiệu lực, buộc hai bên phải thi hành. Bởi Công ty TIE Miền Bắc không vi phạm các nội dung trong hợp đồng này.
Ngay sau khi nhận được công văn số 06/CV-VT-2015 ngày 8/6/2015 đề nghị chấm dứt hợp đồng với lý do TIE Miền Bắc không trả phí sử dụng nhãn hiệu, Công ty TIE Miền Bắc đã có văn bản phản hồi Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến với nội dung không đồng ý vì trước đó TIE Miền Bắc chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào nhắc nợ của Công ty Giấy Vĩnh Tiến mà theo hợp đồng Công ty Giấy Vĩnh Tiến phải nhắc nhở bằng văn bản 03 lần liên tục.
Bản chất sự việc không phải TIE Miền Bắc không thanh toán phí sử dụng nhãn hiệu cho Công ty Vĩnh Tiến mà là do 2 bên chưa quyết toán hết công nợ trước đó. Bởi, trước đó ông Dậu đã ký Hợp đồng Cầm cố cổ phiếu của mình tại Công ty CP Vĩnh Tiến trị giá 10 tỷ đồng cho Công ty TIE để đảm bảo thực hiện 03 hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty CP Vĩnh Tiến với Công ty TIE.
Mẫu mã Cty Vĩnh Tiến nhái của Cty TIE Miền Bắc bày bán ở Tp HCM
Tính tới thời điểm hiện nay, Công ty CP Vĩnh Tiến của ông Dậu vẫn còn nợ Công ty TIE số tiền trên 700 triệu đồng. Trong hoạt động kinh doanh, để thuận tiện các công ty thường sử dụng phương pháp khấu trừ nghĩa vụ thanh toán cho nhau. Như vậy, không thể nói TIE Miền Bắc không chịu trả phí sử dụng nhãn hiệu cho Công ty Giấy Vĩnh Tiến do ông Lâm An Dậu làm người đại diện pháp luật.
Việc Công ty Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” với TIE Miền Bắc là vi phạm Khoản 4, Điều IX của hợp đồng này”, ông Khoa phân tích.
Còn về việc sử dụng Logo hình “con nai nhí” trên sản phẩm của TIE Miền Bắc, ông Khoa cho biết: “Ngày 5/12/2014, với tư cách là Chủ tịch HĐTV của Công ty Vĩnh Tiến – TIE, ông Dậu đã cho phép dùng hình ảnh ‘con nai nhí’ nằm dười chữ T trong hình tròn để đăng ký sở hữu trí tuệ cho Công ty Vĩnh Tiến – TIE. Ngày 8/1/2015, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ cho Công ty Vĩnh Tiến – TIE về mẫu Logo này. Vì vậy, việc Công ty Vĩnh Tiến – TIE sử dụng mẫu Logo có hình con nai nhí trên sản phẩm của mình là được sự đồng ý của ông Dậu”.
Ai mới là người "ăn cắp" mẫu mã?
Như nêu trên, sau khi ký “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” vào ngày 23/9/2014, Công ty Vĩnh Tiến – TIE tiến hành xây nhà máy ở tỉnh Hải Dương để phục vụ cho sản xuất tập vở.
Đến ngày 8/5/2015, nhà máy sản xuất của Vĩnh Tiến – TIE mới hoàn thành giai đoạn 1, và ông Lâm An Dậu (với tư cách là Chủ tịch HĐTV) đã chủ trì buổi lễ cắt băng khánh thành nhà máy này. Thế nhưng, đến ngày 8/6/2015, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến đã gửi công văn tới Vĩnh Tiến - TIE đơn phương chấm dứt “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)”.
Ông Lê Ngọc Hưng (Tổng GĐ Vĩnh Tiến - TIE thời điểm này), bức xúc: “Nhà máy mới đi vào hoạt động chưa đầy một tháng, việc sản xuất cũng như mẫu mã sản phẩm đều theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên mà ông Dậu làm Chủ tịch đúng với tinh thần của hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu của Giấy Vĩnh Tiến.
Hơn nữa, lúc này sản phẩm mới bắt đầu đưa ra thị trường, chưa có kết quả kinh doanh thì căn cứ vào đâu mà thanh toán phí sử dụng thương hiệu. Ngày 16/6/2015, chúng tôi đã có văn bản phúc đáp Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến khẳng định Vĩnh Tiến - TIE đang thực hiện đầy đủ và đúng các điều khoản trong hợp đồng và đề nghị Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến tôn trọng và nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký.
Và sau đó, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến đã không có phản hồi gì. Chỉ đến khi ông Dậu đã bán lại toàn bộ số cổ phần của mình tại Công ty Vĩnh Tiến - TIE cho Công ty CP TIE và không còn giữ chức Chủ tịch HĐTV (ngày 19/5/2016) tại đây thì ông Dậu lại quay lại tố cáo Vĩnh Tiến - TIE vi phạm hợp đồng và đòi chấm dứt hợp đồng”.
Như nêu trên, việc sử dụng logo hình “con nai nhí” trên sản phẩm của TIE Miền Bắc là không vi phạm nhãn hiệu của Công ty Giấy Vĩnh Tiến. Bởi lẽ, nó được cho phép và đăng ký theo đúng qui định pháp luật.
Ông Lê Ngọc Hưng cho biết thêm: "Ngày 18/3/2015, Công ty Vĩnh Tiến - TIE đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn Verztec (của Thái Lan) thiết kế độc quyền bộ bìa tập gồm 8 chủ đề với 12 mẫu (gồm cả bìa lót và nhãn tập) với giá 14.817 USD để sản xuất ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến lại tự ý sản xuất sản phẩm nhái các mẫu này, gây thiệt hại cho Vĩnh Tiến - TIE. Vậy ai mới thật sự là người đã “ăn cắp” mẫu mã?
Sản phẩm của Cty Vĩnh Tiến (bên trái) nhái mẫu mã của TIE Miền Bắc (bên phải)
Còn ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TIE khẳng định: “Tôi rất bất ngờ khi nghe ông Dậu nói TIE Miền Bắc ăn cắp thương hiệu của Công ty Giấy Vĩnh Tiến. Trong suốt quá trình hợp tác từ tháng 7/2014 đến tháng 4/2016, ông Dậu giữ trọng trách cao nhất (Chủ tịch HĐTV - PV) tại Công ty Vĩnh Tiến - TIE. Nếu sự thật mà Vĩnh Tiến - TIE ăn cắp thương hiệu và không trả phí sử dụng thương hiệu cho Công ty Giấy Vĩnh Tiến thì ông Dậu phải là người chịu trách nhiệm chính. Với tư cách là Chủ tịch HĐTV sao ông Dậu không chỉ đạo cấp dưới giải quyết mà phải chờ đến khi thoái hết vốn và không còn là Chủ tịch HĐTV của Vĩnh Tiến - TIE thì ông Dậu mới phản ánh vấn đề này?! Hiện nay Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến còn nợ tiền của TIE trên 2,2 tỷ đồng, ông Dậu nói như vậy chẳng khác nào tự tay ông ấy tát vào mặt mình!”.
“Quan hệ giữa Vĩnh Tiến - TIE với ông Lâm An Dậu và Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến không chỉ dừng lại ở mối quan hệ về thương quyền mà còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa. Tuy nhiên có thể khẳng định, những hành động vừa qua của ông Lâm An Dậu có dấu hiệu vu khống, gây phương hại đến TIE Miền Bắc nói riêng và Công ty cổ phần TIE với tư cách là thành viên góp vốn chủ yếu trong TIE Miền Bắc nói chung, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, trả lại sự công bằng cho chúng tôi”, ông Vinh cho biết.