Bộ Công an: Luật An ninh mạng không trái với các cam kết quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 22:31, 03/11/2018

Chiều tối nay (3/11), đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Sẽ có trở ngại về vấn đề bảo mật an ninh mạng?

Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đề cập đến việc Bộ Công an công bố dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng, quy định lưu trữ thông tin khi đặt văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam. Các ý kiến băn khoăn và lo ngại sẽ có trở ngại trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin, hòa nhập với thế giới?

Ngoài ra, Điều 24 của dự thảo này cũng quy định các dữ liệu, thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, quốc tịch… sẽ phải cung cấp cho cơ quan quản lý, như vậy vấn đề bảo mật sẽ bị đe dọa.

Trả lời vấn đề này, ông Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định: quy định này không trái với các cam kết quốc tế. Hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc.

Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3. Nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu. Quy định này cũng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, vì hiện Google đã đặt 70 văn phòng đạt diện, Facebook đã đặt 80 văn phòng đại diện trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia...

Ông Quang cũng khẳng định, quy định trên phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua bien giới như Goolge, Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi  tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh các văn bản này... Dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp như Google, Facebook phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Các quy định này không trái cam kết quốc tế gồm các điều ước liên quan WTO, CPTPP, cụ thể Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994; Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ...

Bộ Công an đã đăng công khai dự thảo này lên Cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến người dân, nhằm hoàn thiện dự thảo. Đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp để chúng tôi tiếp thu, giải trình và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, liên quan đến luật này, Thủ tướng cũng đã nhận được một số ý kiến của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan ngoại giao. Tinh thần tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng cũng đưa ra vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh thông tin truyền thông là rất cần thiết.

Bộ Công an: Luật An ninh mạng không trái với các cam kết quốc tế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Như chúng ta vẫn thường nói, vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự an toàn xã hội nằm trong phạm vi bảo vệ chủ quyền quốc gia là những vấn đề luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng trong tổng thể vẫn phải bảo đảm môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Cho nên việc xây dựng nghị định này cần hết sức thận trọng, cân nhắc, ông Dũng nói.

Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói sẽ xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản và đăng tải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an 60 ngày.

Chậm nhất năm 2020-2021 sẽ đổi mới sách giáo khoa

Liên quan đến câu hỏi về thời gian thực hiện trương trình sách giáo khoa mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Trong phiên họp Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình 2 vấn đề: Thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Chính phủ kết luận sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51 ban hành ngày 21/11/2017. Theo lộ trình này, nghị quyết ghi rõ, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất là vào năm 2020-2021 với lớp đầu tiên của cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp THCS; năm 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp THPT. Chỉ đạo của Chính phủ rất rõ là Bộ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51.

Liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chính phủ cũng đã kết luận yêu cầu Bộ khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng của Kỳ thi năm học 2017-2018, thực hiện tốt kỳ thi này theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã trình theo tinh thần kỳ thi phải bảo đảm giảm những áp lực, khó khăn và cũng bảo đảm đánh giá đúng độ tin cậy cũng như chất lượng năm học của học sinh.

Bộ Công an: Luật An ninh mạng không trái với các cam kết quốc tế

Chậm nhất năm 2020-2021 sẽ đổi mới sách giáo khoa

Phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để có thể là cơ sở xét tuyển đại học. Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để khắc phục: Một là làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, đại học. Thứ hai là bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn và thứ ba là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi bảo đảm an toàn, sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không phải Chính phủ quyết làm sớm hay muộn. Còn về đổi mới kỳ thi, đổi mới ra đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Liên quan đến kỳ thi, Thủ tướng đã kết luận là yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4/11/2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Còn riêng vấn đề sách giáo khoa, yêu cầu phải thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 51 của Quốc hội ban hành ngày 21/11/2017. Thủ tướng không kết luận phải làm trước hay làm sau, mà yêu cầu thực hiện đúng như vậy, tránh đùn đẩy đưa ra trình Chính phủ.

Nguyên Bình