Doanh nghiệp Việt và sự kỳ vọng vào cải thiện môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:36, 13/10/2016
Thực trạng doanh nghiệp Việt
Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2016, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 101.961 doanh nghiệp, trong đó có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới và 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng năm 2016 cũng lên tới 16.294 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2016, cả nước có thêm 81.451 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 629.094 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2016 là 1.789.514 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân /doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2016 đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2016 là 928,7 nghìn lao động, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
101.961 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2016
Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới tập trung nhiều nhất ở loại hình công ty TNHH 1 thành viên với 44.149 doanh nghiệp đăng ký, tiếp đến là loại hình công ty TNHH 2 thành viên là 20.674 doanh nghiệp, loại hình công ty cổ phần là 13.331 doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp tư nhân là 3.285 doanh nghiệp và loại hình công ty hợp danh là 12 doanh nghiệp. Trong số các loại hình doanh nghiệp thành lập chỉ có duy nhất loại hình doanh nghiệp tư nhân là có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm (19,1%) so với cùng kỳ, các loại hình doanh nghiệp còn lại đều tăng so với cùng kỳ.
Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp cho thấy, loại hình công ty cổ phần có tỷ trọng vốn đăng ký bình quân cao nhất là 20,2 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp; công ty TNHH 1 thành viên là 5,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; công ty hợp danh là 1,6 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân là 1,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm là 20.510 doanh nghiệp, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2016, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong là 5.608 doanh nghiệp, tăng 1,5% so với quý II/2016; so với quý I/2016, giảm 40,2% và so với cùng kỳ năm 2015, tăng 29,2%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 16.294 doanh nghiệp, tăng 31,0% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 28.803 doanh nghiệp, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 8.365 doanh nghiệp, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 7.812 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 93,3%/tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước, tăng 20,% so với cùng kỳ năm 2015.
Kỳ vọng vào cải thiện môi trường kinh doanh
Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động (bao gồm cả các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh).
Tại buổi tọa đàm diễn ra gần đây tại Hà Nội, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận xét về tinh thần của Nghị quyết 35, đó là những cải cách về hành chính có thay đổi về cách hành xử của bộ máy nhà nước với doanh nghiệp, không chỉ minh bạch hơn mà còn thân thiện hơn. Cùng với đó là tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không chỉ hướng đến xóa bỏ các rào cản, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Cũng nói về Nghị quyết 35, bà Hương Vũ - Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng Nghị quyết 35 để biến Việt Nam thành đất nước ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Đọc nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị định vào thực tế thì rất khó, bởi sau nó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa. Đặc biệt vướng mắc ở vấn đề thu thuế, hoàn thuế”, bà Hương nói.
Theo ý kiến của giới doanh nhân, chủ trương của Chính phủ đã có nhưng có những điều luật lại chưa chưa xuất phát từ thực tiễn mà vẫn còn sách vở, thiếu phù hợp. Cũng ví dụ bất cập về vấn đề thuế, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk chia sẻ rằng trong nông nghiệp với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất, có một số nguyên liệu nhập khẩu nằm trong danh mục thuế suất 0%, nhưng lại bị đánh sang danh mục áp mức thuế 5%. Thậm chí có thời điểm, cách tính thuế khiến doanh nghiệp của bà Hương trở thành nợ thuế dù không đúng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện cộng đồng doanh nhân Việt. Ảnh: TTXVN
Nói sâu hơn về rào cản kinh doanh, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico hiện có hai rào cản pháp lý, đó là rào cản tổng thể và rào cản cụ thể (các điều kiện kinh doanh) dù Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh. “Luật Đất đai đang là rào cản lớn nhất trong hoạt động kinh tế, đó là hệ quả của sở hữu toàn dân. Nếu kinh tế nhà nước cứ là chủ đạo thì kinh tế tư nhân chỉ là bán đạo. Đó là rào cản lớn nhất”, ông Đức nhận xét. Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ, ngành; các tiêu chuẩn kĩ thuật, thủ tục hành chính đang khiến doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn.
Những vướng mắc mà các doanh nhân nêu ra là một thực tế mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn có sự sửa đổi. Và một thông điệp vui với cộng đồng doanh nghiệp Việt là trong lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập-phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị “các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện ‘3 đồng hành, 5 hỗ trợ’ đối với doanh nghiệp”. Đó là những đồng hành về đẩy mạnh cải cách hành chính, về thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp…
Năm hỗ trợ mà Thủ tướng yêu cầu là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Những quyết sách đối với cộng đồng doanh nghiệp của người đứng đầu Chính phủ đang mang lại cho giới doanh nhân những kỳ vọng mới về sự cải thiện môi trường kinh doanh. Với sự quan tâm này, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, năm 2016 sẽ là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.