Kiên quyết kiểm tra xử lý trục lợi bảo hiểm y tế
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 20:55, 12/10/2016
Trong 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là do hành vi lạm dụng, trục lợi của người có thẻ BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước tình hình trên, ngày 29/8, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7200/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn (trái) và Ông Bùi Sỹ Lợi tại buổi tạo đàm trực tuyến. Ảnh: VGP
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp quản lý hiệu quả quỹ Bảo hiểm Y tế và quỹ Bảo hiểm Xã hội” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 12/10, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết có 3 nhóm nguyên nhân khiến bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2016 tăng.
Nguyên nhân thứ nhất là do gia tăng cơ học về số người tham gia bảo hiểm y tế. Nguyên nhân thứ hai là do việc áp dụng giá bảo hiểm y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc. Nguyên nhân thứ ba là cơ chế thông tuyến đã được triển khai cũng dẫn đến việc tăng đối với chi phí y tế. Ngoải ra còn nguyên nhân khác như sử dụng nhiều dịch vụ y tế mới, sử dụng thuốc bất hợp lý.
Cùng tham dự tọa đàm, Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến về 4 nguyên nhân khiến bảo hiểm y tế tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay của ông Phạm Lương Sơn. Ngoài ra, ông Lợi cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên băn khoăn và đặt vấn đề rằng việc tăng quỹ bảo hiểm y tế không hoàn toàn do trục lợi. Điều này không chính xác hoàn toàn".
Có một thực tế là trục lợi y tế đang được phản ánh diễn ra ở mức cao hơn và rộng hơn. Việc trục lợi y tế đang diễn ra dưới các hình thức như kê khống, bệnh nhân đã ra viện nhưng vẫn kê thuốc, tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, chỉ định các hình thức kiểm tra, xét nghiệm quá mức cần thiết, thống kê, áp giá sai để thanh toán…Ngoài ra, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác, sử dụng thẻ giả hay tận dụng thẻ đi khám để lấy thuốc không đúng mục đích cũng diễn ra ở một số tỉnh thành trên cả nước.
Trước những thực trạng nêu trên, ông Phạm Lương Sơn cho biết Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý với những trục lợi trong bảo hiểm y tế. Cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra để đảm bảo việc chi trả khám chữa bệnh được công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, để xử lý dứt điểm việc trục lợi bảo hiểm y tế cũng cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền ở các địa phương.