Vui nổi không với văn bản của ông chủ võng xếp Duy Lợi

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:46, 02/10/2016

Là chủ một doanh nghiệp, ông chủ Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi đã có một văn bản khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi câu chữ trong đó. Đây là một chiêu PR hay là một trò đùa cho vui?

Văn bản có 1-0-2 của ông chủ võng xếp Duy Lợi

Ngày 30/9, cư dân mạng lan truyền văn bản được cho là của ông chủ doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi. Cái “lạ” của văn bản này chính là phần nội dung thông tin “như xui” công nhân sử dụng 50 nghìn đồng còn lại trong khoản hỗ trợ 100 nghìn đồng mà công ty Duy Lợi quyết định hỗ trợ nhân viên thiếu việc làm.

Vui nổi không với văn bản của ông chủ võng xếp Duy Lợi

Văn bản lan truyền trên mạng được cho là của ông chủ võng xếp Duy Lợi

Cụ thể với khoản hỗ trợ 100 nghìn đồng, sau khi trừ đi 50 nghìn đồng cho ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, 50 nghìn đồng còn lại được ông chủ võng xếp Duy Lợi khuyên sử dụng: “ Để dành nuôi vợ (chồng), con, bồ nhí; Gửi tiết kiệm; Đi nhậu (Bình dân); Đi nhà nghỉ”. Đặc biệt trong phần đi nhà nghỉ, văn bản này chỉ dẫn khá kỹ càng như sử dụng bao nhiêu tiền mua bao cao su hay thuốc tránh thai…

Sau khi văn bản lan truyền trên mạng, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc công ty TNHH sản xuất Duy Lợi đã xác nhận trên một số tờ báo rằng văn bản đó chính xác là của công ty. Tờ Dân trí dẫn lời ông Lợi nói rằng : “Văn bản thông báo cùng chính sách hỗ trợ trên là có thật, đây là khoản tiền công ty muốn giúp đỡ cán bộ nhân viên công ty vượt qua giai đoạn khó khăn”. Còn những hướng dẫn sử dụng khoản tiền trợ cấp như để dành nuôi bồ nhí, đi nhà nghỉ, mua bao cao su… ông Lợi cho biết, đây là nhu cầu bình thường.

Phản ứng trước văn bản của ông Lợi, có độc giả nhận xét: “Bác Lợi có ý tốt, song thực hiện như tại văn bản này thì chết cười. Nhân viên soạn văn bản yếu nghiệp vụ quá”. Nhưng cũng có ý kiến rằng: “Ông này coi thường đạo lý Á Đông quá, bồ nhí là khoản vô lý cần được loại bỏ”.

Vui nổi không?

Việc một doanh nghiệp ra quyết định hỗ trợ công nhân trong những ngày thiếu việc làm là điều đáng mừng. Sẽ không có gì để nói nếu đó chỉ thuần túy là một thông báo trợ cấp. Tuy nhiên khi đọc văn bản của ông chủ võng xếp Duy Lợi, người ta không khỏi cảm thấy có những gờn gợn.

Theo văn bản “tiền hỗ trợ thiếu việc làm năm 2016 sẽ được chi trả vào ngày làm việc đầu tiên năm 2018” cùng với ngôn ngữ trong văn bản được ông chủ võng xếp Duy Lợi tự nhìn nhận là “thể hiện sự hài hước” khiến văn bản giống như một trò đùa. Có lẽ đúng như ông Lợi chia sẻ báo chí rằng nội dung bản thông báo hỗ trợ cũng mang tính chất vui vẻ và thể hiện sự hài hước với cán bộ, nhân viên của công ty.

Nhưng ông Lợi cũng kịp khẳng định trên tờ Tri thức trẻ rằng: “Thông qua bản thông báo, lãnh đạo và công nhân viên trở nên gần gũi hơn, xây dựng văn hóa công ty của Duy Lợi”.

Ai cũng biết, văn hóa doanh nghiệp là một loại tài sản vô hình đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình tầm nhìn, sứ mệnh và xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tăng thêm uy tín sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước đây, đã từng có thời gian văn hóa doanh nghiệp bị xem nhẹ, thậm chí  có nơi còn bỏ ngỏ. Và cũng vì thế, có những thời điểm, doanh nhân bị nhìn nhận là những “con buôn”, không chỉ bởi vì sự ham mê lợi nhuận mà còn bởi chính từ cách ứng xử, cách phát ngôn đôi lúc “trên tiền” của một vài cá nhân.

Đáng mừng là cùng với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế, văn hóa doanh nghiệp đã dần được cộng đồng doanh nghiệp coi trọng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp được nhiều doanh nhân coi là một trong những việc trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu.

Trong các yếu tố nhận biết nên văn hóa của doanh nghiệp, vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng, đứng vị trí trung tâm. Lãnh đạo là người đặt nền móng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Họ phải đưa ra những quyết định hợp lý trong việc xây dựng hệ thống giá trị văn hóa, và phải là người đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, để làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty.

Có thể nói lãnh đạo doanh nghiệp là tấm gương xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và cái cách ông chủ của võng xếp Duy Lợi sử dụng một văn bản “thể hiện sự hài hước” để xây dựng văn hóa công ty khiến người ta có cảm giác đang đứng ở trong nhà gương cười. Ở đó, những chuẩn mực đã bị thay thế bằng sự dị dạng, mà đôi lúc nhìn vào người ta cười không nổi.

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt đã từng có những doanh nghiệp sử dụng cách gây dấu ấn bằng việc “hài hước quá đà” khi phát ngôn hay “chế” lời bài hát…và coi đây là cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Khi bị dư luận phản đối, doanh nghiệp cho rằng đó chỉ là hoạt động nội bộ cho vui, nhưng thực tế đã chứng minh chính điều đó làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi những việc làm được cho là xây dựng văn hóa doanh nghiệp ấy xa rời với truyền thống văn hóa của người Việt nếu không muốn nói là phản cảm.

PV