Những “điểm cộng” của ngành Tòa án tại phiên chất vấn
Chính trị - Ngày đăng : 10:07, 01/11/2018
Chánh án Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn Quốc hội sáng ngày 31/10
ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực UB Quốc phòng an ninh: Áp lực của cán bộ Tòa án chỉ người trong ngành mới hiểu
Kỳ họp này không phải là chất vấn theo nhóm vấn đề mà các đại biểu kiểm điểm lại vấn đề đã chất vấn và Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện lời hứa các kỳ họp trước. Qua phần trả lời chất vấn của một số vị bộ trưởng cho thấy, hầu hết đều nắm chắc vấn đề mà ĐB quan tâm. Như vấn đề tài nguyên môi trường còn bất cập, giáo dục, y tế, tư pháp,…Các vấn đề đều được các “tư lệnh” ngành thẳng thắn đưa ra với tinh thần trách nhiệm cao.
Riêng phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình không chỉ tôi mà nhiều đại biểu đánh giá cao. Qua nghiên cứu Chánh án Nguyễn Hòa Bình về câu hỏi liên quan đến quản lý hoạt động của ngành Tòa án, phải khẳng định rằng lãnh đạo TANDTC, cá nhân đồng chí Chánh án rất cầu thị để trả lời câu hỏi của các ĐB. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã hội quan tâm rất nhiều đến hoạt động xét xử của Tòa án. Qua chất vấn trước đây các ĐB cũng đã chỉ ra một số những bất cập hạn chế, trong hoạt động của ngành Tòa án. Đến nay, ban lãnh đạo TANDTC đã triển khai rất nhiều biện pháp để khắc phục những hạn chế bất cập đó. Và điều đáng mừng nhất từ đầu khóa đến nay, Tòa án không để xảy ra vụ án nào oan; Hoạt động xét xử án hành chính có nhiều tiến bộ, chất lượng xét xử các loại án được nâng lên rất nhiều.
ĐB Nguyễn Mai Bộ
Đặc biệt, số lượng án hình sự trả mà Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung tăng cao đã thể hiện thái độ rất kiên quyết của Tòa án, mạnh dạn để làm việc đó, điều mà trước đây chưa có; thể hiện quan điểm rõ ràng, cẩn trọng trong xét xử để tránh những oan sai không đáng có.
Hiện nay TANDTC triển khai thí điểm hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại án hành chính tại 16 tỉnh thành. Lâu nay cha ông ta vẫn từng nói “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, hai bên khiếu kiện, bị kiện mà ngồi được với nhau để phân rõ đúng sai thì khi giải quyết sẽ nhẹ nhàng hơn. Đề án mới triển khai thí điểm tại Hải Phòng nhưng đã có những thành công nhất định và được dư luận đánh giá cao.
Cũng theo ĐB, vừa qua, thông tin có nhiều Thẩm phán chuyển công tác hoặc xin nghỉ vì áp lực công việc. “Có lẽ chỉ có những người công tác trong ngành Tòa án mới hiểu những áp lực công việc mà họ đang làm. Tôi là người tham gia giảng dạy tại Học viện Tòa án, thấy rằng hoạt động Tòa án rất áp lực, số lượng công việc rất lớn. Cán bộ công chức phải đảm đương nhiều việc, đi sớm về muộn vì lượng án quá nhiều, thậm chí thứ bảy, chủ nhật vẫn phải đi làm. Nhưng điều đó không ai biết cả, ngoại trừ những người trong ngành, nên rất cần sự chia sẻ của cử tri, nhân dân. ”- ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.
Qua theo dõi thấy rằng án mỗi năm tăng cỡ vài chục ngàn vụ, đến nay toàn ngành hơn 400 ngàn vụ. Với những nơi án nhiều thì rõ ràng câu chuyện biên chế chúng ta phải tính đến. Thẩm phán hay thư ký dù nỗ lực đến đâu cũng phải hợp lý vì với 22 ngày làm việc mỗi tháng, họ cần phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chưa nói đến việc học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Vậy nên phải tính đến biên chế, chế độ cho các cán bộ này. “Tôi thấy nhiều cán bộ, Thẩm phán, kể cả cá nhân tôi khi đang công tác tại Tòa án, công việc nhiều phải làm đến nỗi “tả tơi”. Áp lực công việc là vậy nhưng hầu như không ai kêu ca, hình như với họ nỗ lực làm việc và không có án oan là tốt rồi, chứ không đòi hỏi sự nhàn hạ”, ĐB chia sẻ.
Và để thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế trong bối cảnh hiện nay thì Tòa án vẫn cần phải nghiên cứu để bổ sung số lượng Thẩm phán, đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. “Như giải pháp mà Chánh án TANDTC đưa ra tại phiên chất vấn, tôi cho là hợp lý. Đó là vẫn giảm biên chế nhưng cho tuyển dụng thêm Thẩm phán trong tổng định biên hiện có để thực hiện công việc”.- ĐB nêu quan điểm.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội): Khắc phục án hành chính phải có 3 yếu tố
Phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành đã bám sát vào các câu hỏi của ĐB và nêu lên những tồn tại, khuyết điểm của mình. Nhiều vị đã sẵn sàng nhận trách nhiệm với những vấn đề còn yếu kém, đề ra những giải pháp trong thời gian tới khá là thuyết phục. Tuy nhiên còn có một số người trả lời còn hơi dài, chưa đi trực tiếp vào vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của ngành hay sẵn sàng nhận trách nhiệm. Việc đề ra các giải pháp còn có những mức độ nhất định.
ĐB Ngọ Duy Hiểu
Riêng đối với đối với Chánh án TANDTC, đã thể hiện là người nắm rất vững các công việc của ngành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, chỉ rõ những hạn chế của ngành mình đặc biệt thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc đổi mới để hướng tới một hệ thống Tòa án trong sạch, là biểu tượng của công lý, công bằng xã hội.
Phần trả lời của Chánh án về vấn đề xét xử án hành chính là rất thỏa đáng. Đối với việc lãnh đạo chính quyền vắng mặt, có hai khía cạnh mà chúng ta cần tiếp cận. Ngoài công việc của Tòa là tống đạt và triệu tập, vấn đề mà chúng ta quan tâm nữa là trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo cấp dưới của mình tham gia phiên tòa. Đây là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý của các vị có chức danh trong chính quyền.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi Luật để đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với thực tế. Vì việc Chủ tịch UBBND phải có mặt theo yêu cầu của các phiên tòa sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc điều hành chính quyền, trong khi đó công việc của chúng ta ngày một nhiều.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng án hành chính tồn đọng nhiều phải kết hợp giữa ba yếu tố là: điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với thực tế, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của các cấp Tòa án.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện: Không có án oan là điểm cộng được đánh giá cao
Qua theo dõi, tôi thấy rằng, toàn bộ hoạt động trong TAND thời gian qua được đẩy mạnh, nhiều khởi sắc và đã bắt nhịp với cuộc sống. Từ chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao đến việc ứng dụng cải cách tư pháp và Hiến pháp, Tòa án là cơ quan ở vị trí trung tâm, nên rất cần có thời gian chấn chỉnh lại. Các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án cần có sự tham mưu cho Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, cho Quốc hội để cải tiến hơn nữa công tác hoàn thiện pháp luật.