Tham vấn kết quả lập bản đồ rủi ro CSHT NT với lũ quét và sạt lở đất tại Hà Nội

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:55, 26/08/2016

Ngày 26/8/2016, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả lập bản đồ rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn (CSHT NT) với lũ quét và sạt lở đất tại Hà Nội.

Đây là một hoạt động thuộc Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc (2012 – 2016) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Tham vấn kết quả lập bản đồ rủi ro CSHT NT với lũ quét và sạt lở đất tại Hà Nội

Các đại biểu tham dự hội thảo  tham vấn kết quả lập bản đồ rủi ro của CSHT NT với lũ quét và sạt lở đất tại Hà Nội.

Hoạt động lập bản đồ rủi ro được thực hiện từ tháng 01/2016 đến tháng 8/2016  nhằm chỉ ra bức tranh về mức độ tổn thương của CSHT NT và rủi ro của các công trình này dưới ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Công tác lập bản đồ dựa trên các kết quả đánh giá tổn thương của CSHT NT ở 15 tỉnh miền núi phía Bắc, kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật và các bản đồ rủi ro lũ quét và sạt lở đất do bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng.

Các bản đồ được xây dựng cho một số loại CSHT nông thôn tiêu biểu như đê, kè, đường giao thông nông thôn qua 03 thời đoạn khác nhau gồm: hiện tại, 2025 và 2050 với tỷ lệ 1/200.000 và 1/500.000 cho bản đồ in và tỷ lệ 1:100.000 cho bản đồ số. Ngoài bản đồ cho khu vực miền núi phía Bắc (gồm 15 tỉnh: Bắc Kan, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Lạng Sơn), dự án còn xây dựng bản đồ chi tiết hơn cho hai tỉnh thí điểm là Sơn La và Bắc Kạn.

Dựa vào các bản đồ này, cán bộ tham gia vào việc lập kế hoạch, cán bộ kỹ thuật và các cấp ra quyết định có thể xác định được những CSHT chịu nhiều rủi ro, những công trình có nguy cơ tổn thương cao nhất, qua đó ra quyết định quy hoạch, đầu tư chính xác, hiệu quả hơn, giảm tổn thất không đáng có trong tương lai.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức trong, ngoài nước, các bô ngành (Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT…), viện, trường, các địa phương cũng như các chuyên gia đầu ngành. Các đại biểu đánh giá cao giá trị sử dụng của các bản đồ và mong muốn dự án sẽ xây dựng thêm những bản đồ tương tự cho các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh được nhận diện là có nguy cơ cao.

PV