Dự án Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang: Cần kiểm tra chéo và giám sát của cộng đồng

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 22:06, 27/07/2016

Trong trường hợp Nhà máy Giấy Lee&Man ở Hậu Giang, cần thực hiện “kiểm tra chéo” và có sự giám sát của cộng đồng, theo GS-TS Võ Tòng Xuân.

Thật bất ngờ khi chúng tôi biết GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, một nhà khoa học rất có uy tín trong nước và thế giới từng có thời gian dài nghiên cứu về sản xuất bột giấy, rất am hiểu về ngành nghề này. Giáo sư cho biết, với công nghệ hiện nay, hoàn toàn cho phép sản xuất giấy mà không gây ô nhiễm môi trường, có sự kiểm tra chặt chẽ. Trong trường hợp Nhà máy Giấy Lee&Man ở Hậu Giang, cần thực hiện “kiểm tra chéo” và có sự giám sát của cộng đồng.

Nỗi ám ảnh “dung dịch đen”

Giáo sư Xuân kể, thời gian ở Philippines, trước khi nghiên cứu sâu về cây lúa, ông từng nghiên cứu về cây mía, trong đó có cả việc nghiên cứu sản xuất giấy từ bã mía. Sau này khi giảng dạy ở đại học Cần Thơ, ông tiếp tục nghiên cứu sản xuất bột giấy từ cây tràm theo công nghệ của Thụy Điển. Giáo sư Xuân cho biết, theo số liệu của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc) vào năm 2013, lượng giấy tiêu thụ trên đầu người Việt Nam rất thấp (gần chót bảng), chỉ 31kg/người/năm. Trong khi số lượng đó ở các nước phát triển là trên 150kg/người/năm (Thụy Điển 238kg/người/năm).

Dự án Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang: Cần kiểm tra chéo và giám sát của cộng đồng

GS-TS Võ Tòng Xuân

Mặc dù tiêu thụ ít như vậy, nhưng năng lực sản xuất giấy trong nước vẫn không đáp ứng được, mà phải nhập khẩu một lượng lớn từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Giáo sư Xuân dự đoán, với đà phát triển của đất nước, lượng giấy tiêu thụ trên đầu người Việt Nam sẽ tăng nhanh. Nếu không kịp thời phát triển ngành sản xuất giấy trong nước, sự lệ thuộc vào giấy nước ngoài sẽ ngày càng cao. Theo giáo sư, đầu tư sản xuất giấy, không chỉ là việc phát triển sản xuất trong nước, mà còn tận dụng được lượng giấy phế liệu (làm nguyên liệu cho nhà máy giấy) ngày càng nhiều, có nguy cơ là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Là người từng nghiên cứu sâu về sản xuất giấy, giáo sư Xuân cho biết, một trong những vấn đề nan giải của sản xuất giấy truyền thống là ô nhiễm môi trường, khi mà thải ra một loại dung dịch có màu đen (tiếng chuyên môn gọi là “black liquor”) có độ ô nhiễm cao. Giáo sư cũng cho biết, đó là công nghệ truyền thống, còn đối với công nghệ hiện đại, “black liquor” hoàn toàn có thể xử lý được, giúp sản xuất giấy giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo giáo sư Xuân, vì sự ám ảnh của “black liquor” mà vào năm 2007 khi Hậu Giang đón nhận dự án lớn sản xuất giấy, ban đầu nhiều nhà khoa học uy tín đã không đồng tình, vì sợ rằng sẽ làm ô nhiễm nước dòng sông Hậu. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, tham quan các nhà máy giấy hiện đại ở nước ngoài, họ biết rằng công nghệ tiên tiến đã giải quyết được chuyện “black liquor”, nên nhiều người đã ủng hộ dự án.

Kiểm tra chéo và giám sát cộng đồng

Theo dõi diễn biến triển khai dự án Nhà máy Giấy Lee&Man ở Hậu Giang, giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, việc dư luận lo ngại nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ làm ô nhiễm nước sông Hậu là hoàn toàn chính đáng, vì đây là dòng sông huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng với những gì đang diễn ra, theo giáo sư Xuân, việc dừng dự án là không khả thi, vì ít nhất sẽ dẫn đến một vụ kiện quốc tế phiền phức mà số tiền liên quan sẽ lên đến hàng tỉ USD.

Dự án Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang: Cần kiểm tra chéo và giám sát của cộng đồng

Nhà máy Giấy Lee&Man

Theo giáo sư Xuân, hợp lý nhất là kiểm tra, bảo đảm quy trình xử lý nước thải của nhà máy đã hoàn thiện, trước khi cho phép chạy thử, rồi sản xuất chính thức. Nhà đầu tư phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy định xử lý nước thải sao cho không gây ô nhiễm. Còn khi đã đi vào sản xuất, nếu nhà máy cố tình không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, việc rút giấy phép hoạt động là không khó.

Để loại trừ khả năng xấu đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát thật khoa học, có độ tin cậy cao. Giáo sư Xuân nói: “Tôi đề nghị, ngoài việc kiểm tra 24/24 của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hậu Giang theo quy định hiện hành bằng những phương tiện hiện đại, cần có thêm sự “kiểm tra chéo” của một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường.

Đồng thời cũng cần có sự giám sát của cộng đồng, cụ thể là người dân sống quanh nhà máy”. Theo thiết kế, nước thải của nhà máy trước khi đổ ra sông, có trích một phần qua ao nuôi cá. Theo giáo sư Xuân, chỉ cần người dân sống trong khu vực phát hiện cá “lờ đờ”, chứ chưa đợi chết, là đã có thể cho nhà máy ngừng hoạt động để xử lý.

Thanh Liêm