Thủ tướng chỉ đạo về giá bán điện và lựa chọn thầu đối với hai dự án điện quan trọng

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:46, 22/07/2016

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về giá bán điện Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 và việc lựa chọn thầu dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Giá bán điện dự án điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về giá bán điện Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1.

Thủ tướng chỉ đạo về giá bán điện và lựa chọn thầu đối với hai dự án điện quan trọng

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 được hưởng chính sách giá điện tạm tính tương tự như các dự án nhà máy điện gió đã xây dựng ven bờ biển (giá mua bán điện được tính bằng đồng Việt Nam tương đương với 9,8 UScents/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).

Giá bán điện của Dự án sẽ được điều chỉnh sau khi Quyết định bổ sung, sửa đổi Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam được ban hành và hoàn thành quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, quyết định cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7463/VPCP-KTN ngày 18/9/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh quy định hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lựa chọn thầu dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các bước thực hiện lựa chọn nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng Dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp đặc biệt phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Được biết, Thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng trên dòng sông Đà nên có ưu thế được các hồ thủy điện bậc thang trên điều tiết nước hàng năm. Nhà máy có 8 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, sản lượng thiết kế bình quân 8,16 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, sau khi các tổ máy của Thủy điện Sơn La vào vận hành, Thủy điện Hòa Bình đều sản xuất được xấp xỉ 10 tỷ kWh/năm.

Mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình mục tiêu quan trọng nhất không phải vấn đề sản lượng mà nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống, sau đó tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện.

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, dự kiến tiến độ tổ máy 1 Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ được đưa vào vận hành năm 2021 và tổ máy 2 vào năm 2022.

PV