Phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo "nóng" phiên chất vấn Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 12:30, 30/10/2018
Giải pháp căn cơ cho PCTN: "Chỉ một vài giải pháp thôi!"
Tại phiên chất vấn sáng nay (30/10), đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đã chất vấn vị Trưởng ngành Thanh tra Chính phủ: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) nhận định, tham nhũng vẫn đang là thách thức, bức xúc nhất xã hội hiện nay. Bên cạnh tham nhũng vặt, các vụ tham nhũng lớn, dưới hình thức nhóm lợi ích, sân sau, công ty gia đình… đang bộc lộ cần được nhận diện, đánh giá thực chất. Tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để làm rõ.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái trả lời chất vấn của ĐBQH
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ có một ngày thảo luận PCTN.
Công tác PCTN được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân quan tâm. Thời gian qua, với quyết tâm cao, quyết liệt thì tình hình tham nhũng được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn đề hết sức phức tạp nên cần đẩy mạnh phòng chống.
Có nhiều nguyên nhân nhưng có công tác tuyên truyền và hệ thống pháp luật, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý. Thời gian qua, chúng ta làm được nhiều việc.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương, Chính phủ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh với nhiều giải pháp: Tiếp tục tuyên truyền pháp luật để người dân, cả hệ thống, cán bộ công chức nắm vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đầy đủ, toàn diện, đảm bảo kiểm soát được hoạt động, lĩnh vực của người có trách nhiệm. Trong đó phải nhanh chóng sửa đổi luật PCTN trong kỳ họp này, trong đó nhiều giải pháp và khắc phục hạn chế tồn tại nhất là xử lý tài sản không giải trình hợp lý. Tăng cường cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát, phát hiện, góp phần làm trong sạch bộ máy.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An)
Không phản bác câu trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên chưa thực sự được hài lòng với phần giải trình của ông Lê Minh Khái, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đã tranh luận lại bằng cách nêu lại câu hỏi của mình: "Tôi nhìn nhận đánh giá của Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tại kỳ họp này, đó là chúng ta làm rất nhiều giải pháp để PCTN chung trong cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, Báo cáo cũng đánh giá, bên cạnh "tham nhũng vặt", lợi ích nhóm và doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện. Vậy, Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ nào. Chỉ một vài giải pháp thôi!, để giảm bớt đẩy lùi việc gia tăng tình trạng này".
Tiếp công dân so với mong đợi còn rất xa
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội): Tình hình tiếp công dân so với mong đợi còn rất xa. Xin Chính phủ cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là việc quan trọng. Chính phủ đã có giải pháp tăng cường trong năm nay. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác này. Tình hình giải quyết có thuyên giảm, số liệu cho thấy số đơn khiếu nại và vụ việc có tăng, số đoàn đông người không tăng so với 2017.
Thanh tra Chính phủ với chức năng của mình tham mưu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại. Thanh kiểm tra để chấn chỉnh, phối hợp ban ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị để giải quyết một cách hiệu quả. Giải pháp đột phá là phải tiếp, giải quyết dứt điểm vụ việc, yêu cầu khiếu nại từ cơ sở. Bởi vì theo Luật khiếu nại Tố cáo giải quyết lần lần, lần hai là hết thẩm quyền. Nếu giải quyết hết lần hai mà công dân chưa thoả mãn thì có thể kiện ra toà hành chính. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng giải quyết khiếu nại lần hai rồi nhưng nhiều người dân ngại ra Toà hành chính đã tập trung thành những đoàn đông người tiếp tục kéo nên khiếu nại vượt cấp. Do đó giải pháp đột phá hiện nay là tiếp công dân thực sự hiệu quả ở cơ sở và những vụ việc phức tạp đông người thì Trung ương cần phối hợp với các địa phương xử lý giải quyết.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi Chính phủ tổ chức hội nghị với 27 tỉnh, thành, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch đối với những vụ việc khiếu kiện đông người, trong đó có phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Kế hoạch này nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận triển khai trên thực tế thì tình hình giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ được hiệu quả hơn.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tại phiên chất vấn cho biết: "Chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả, cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn, tuy nhiên hiện tượng đòi “hối lộ”, “lót tay”, “phong bì” mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội, nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước. Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số các vụ TNGT nghiêm trọng gia tăng, 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người; riêng quý III số người chết do TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng 21,56%; 23 địa phương có số người chết tăng; 3 địa phương tăng trên 50%. Cử tri rất lo lắng cho rằng, các giải pháp kiềm chế TNGT vẫn chưa hiệu quả, cần tiếp tục tổng kết, đánh giá tìm những giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn. Thoát nghèo còn thiếu bền vững, nhiều chính sách giảm nghèo còn chồng chéo nên kết quả đạt được chưa tương xứng với mức đầu tư của ngân sách nhà nước, nhiều công trình, dự án hiệu quả sử dụng thấp (dự án nước sạch nông thôn, nhà ở vượt lũ,...), hiện có 116 chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại 173 văn bản; còn hiện tượng trục lợi đối với chính sách giảm nghèo; Tình trạng ban hành văn bản trái luật chưa được xử lý dứt điểm, số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản của ngành tư pháp còn nhiều; một số văn bản dù đã có kết luận kiểm tra nhưng chậm được xử lý. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, cử tri đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, UBND các địa phương khẩn trương xử lý triệt để và xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Một số vấn đề cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, độc quyền trong phát hành SGK, lãng phí trong sử dụng SGK... được cử tri phản ánh ở hầu hết các kỳ TXCT từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, tích cực, chủ động tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới (VNEN); thực nghiệm sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục quá lâu trên phạm vi rộng nhưng chưa tổng kết, đánh giá; đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, sự công bằng giữa các thí sinh, tiếp tục gây hoang mang, bức xúc trong dư luận cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm, tạo niềm tin trong Nhân dân. |