Brexit: Chuyên gia kinh tế lý giải vì sao TTCK bị "bốc hơi" 50.000 tỷ đồng?
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:11, 27/06/2016
Quyết định dứt áo ra đi của gần 52% cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit hôm 23/6 đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Không khí ảm đạm bao phủ thị TTCK Mỹ. Tại New York, một màu đỏ kinh hoàng dễ đẩy người ta vào trạng thái căng thẳng tột đột. Giới siêu giàu ngơ ngẩn nhìn tiền “bốc hơi” ngay trước mặt, qua những con số tử thần hiện lên trên bảng điện tử…
Ở Việt Nam, trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu lịch sử của cử tri Anh, nhiều nhà phân tích đưa ra những dự đoán khá lạc quan về mức độ ảnh hưởng của Brexit đối với kinh tế trong nước, đặc biệt là TTCK. Thế nhưng, chứng kiến những gì đang diễn ra trong những ngày cuối tuần qua, các nhà đầu tư không khỏi lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ hơn nhiều có thể xảy ra trong tương lai gần.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tuyến, một chuyên gia kinh tế độc lập có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xung quanh vấn đề này.
Brexit tác động lớn đến kinh tế toàn cầu
PV: Hiện có khá nhiều ý kiến trái chiều về tác động tiêu cực của Brexit đối với kinh tế Việt Nam. Cá nhân ông, đánh giá về mức độ ảnh hưởng từ Brexit đến kinh tế trong nước, đặc biệt là thị trường tài chính, và cụ thể là TTCK?
Ông Phạm Văn Tuyến: 51% phiếu bầu đồng ý việc Anh rời EU và chỉ có 48% ủng hộ việc ở lại, có thể nói rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các chính đảng, các thế hệ và các vùng địa lý của của đất nước này.
Để đánh giá các tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng, mà ở đây cụ thể là TTCK, chúng ta không thể lượng hóa ngay được sự ảnh hưởng trong một sớm một chiều.
Về ảnh hưởng trong ngắn hạn, có thể thấy tác động của việc Brexit giành chiến thắng lên thị trường toàn cầu là khá rõ nét như TTCK Mỹ, TTCK Nhật giảm điểm khá mạnh.....Việc mất giá của đồng bảng Anh có thời điểm giảm tới 11% còn 1,37 bảng đổi 1 USD, mức này được cho là thấp nhất kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước.
Các TTCK châu Âu cũng giảm đáng kể do tác động của sự kiện này, TTCK Anh mất 8%, Đức mất 6%... trong khi đó giá vàng tăng hơn 8%, giá dầu thô giảm hơn 6%....Các ác con số đó cho thấy sự ảnh hưởng lớn từ việc Anh rời EU với các sản phẩm hàng hóa cơ bản cũng như ảnh hưởng đối với các nền kinh tế phát triển là khá lớn. Song đó cũng chỉ là các phản ứng tức thời và đánh giá việc thất vọng của đa số nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu về việc họ kỳ vọng Anh vẫn lại EU.
Đối với việc tác động lên thị trường tài chính Việt Nam, xét trên phương diện quan hệ đối tác kinh tế cũng như cán cân thương mại, tôi cho rằng những ảnh hưởng của Brexit là không lớn.
Theo Tổng cục thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm tỷ trọng là 3% tổng giá trị xuất khẩu, một con số khá là thấp, trong khi đó tỷ trọng nhập khẩu chỉ chiếm chưa đến 1%. Do đó có thể thấy rằng, nếu có sự suy giảm hậu Brexit của Anh thì tác động đến kim ngạch thương mại của hai nước là không đáng kể.
Xét về phương diện đầu tư liên quan đến dòng vốn đầu tư, khi mà sự suy giảm kinh tế (nếu có) của sự kiện này, thì việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư đến từ Anh quốc sẽ vẫn được duy trì, chưa kể đến việc dòng vốn này có cơ hội tăng lên đáng kể khi mà cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở Anh khó khăn hơn. Vì vậy, có thể thấy được rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp trong ngắn hạn là không ảnh hưởng.
Ông Phạm Văn Tuyến, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam
PV: Trong vòng quay của Brexit, có một thông tin mà rất nhiều người, không chỉ riêng giới đầu tư quan tâm. Chỉ trong sáng 24/6, vốn hóa TTCK Việt Nam đã… bốc hơi tới 50.000 tỷ đồng. Và đến chiều cùng ngày, sắc đỏ bao phủ các sàn giao dịch trong nước khi kết quả phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng. Con số này có thể lý giải như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tuyến: Đánh giá sự kiện Brexit ảnh hưởng đến sự sụt giảm của TTCK Việt Nam trong phiên 24/6, tôi cho rằng đó là các phản ứng tức thời, thái quá của bộ phận lớn các nhà đầu tư trên thị trường.
Đỉnh điểm của sự kiện này rơi vào đầu giờ phiên giao dịch chiều đã khiến cho chỉ số VN-Index mất đi hơn 34 điểm về còn hơn 597 điểm, lấy đi của thị trường hơn 50.000 tỷ đồng vốn hóa; kết thúc phiên giao dịch này thị trường có sự phục hồi mạnh khi nhà đầu tư bình tâm trở lại, chỉ số chỉ còn giảm 11,5 điểm, VN- Index còn 620,77 điểm với hơn 262 triệu đơn vị giao dịch tổng giá trị đạt hơn 4.600 tỷ đồng, số vốn hóa mất đi sau sự hồi phục trong phiên mất hơn 25.000 tỷ đồng.
Nếu xét về thang điểm 10 về sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam, thì vấn đề Brexit chỉ tác động rất nhỏ đến sự phát triển kinh tế nói chung. Theo tôi, sự ảnh hưởng đó có thể chỉ là 1 điểm trong thang 10 điểm này!
Sự kiện sau cuộc bỏ phiếu của người dân Anh rời EU có thể sẽ phải mất ít nhất 3-4 năm mới có thể hoàn tất các quá trình đàm phán về việc Anh rời hẳn EU. Do vậy, các tác động nói chung ở giai đoạn hiện tại là các tác động mang tính tâm lý của nhà đầu tư là chủ yếu. Về mặt trung dài hạn, có thể Chính phủ Anh sẽ phải tự tìm cho mình hướng đi thích nghi nhất, có lợi cho dân tộc của họ.
Về ý kiến cho rằng con số vốn hóa mất đi trên TTCK Việt Nam là “con số ảo”, là không đúng. Phải hiểu rằng vốn hóa là giá trị của toàn bộ cổ phiếu của doanh nghiệp nhân với thị giá của cố phiếu các doanh nghiệp niêm yết. Do vậy, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường là số cộng lại vốn hóa của từng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Khi giá cổ phiếu sụt giảm, với lượng cổ phiếu niêm yết vẫn giữ nguyên thì vốn hóa sụt giảm. Lượng tiền này bị “bốc hơi” khỏi thị trường mà không vào bất kỳ túi của nhà đầu tư nào.
TTCK Việt lao dốc ngay từ phiên mở cửa hôm 24/6. Ảnh: P. Diệp
PV: Brexit rõ ràng không phải là chuyện mới xảy ra. Trong khi đó, EU là một trong những đối tác kinh tế lớn của nước ta. Vậy thưa ông, thực tế Brexit, mà cụ thể là cuộc trưng cầu dân ý vừa qua bắt đầu có những biểu hiện tác động rõ rệt đối với thị trường Việt Nam từ khi nào và ra sao? Thị trường nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Brexit?
Ông Phạm Văn Tuyến: Như tôi có trao đổi ở trên về vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Anh quốc là không lớn. Vì vậy sự ảnh hưởng của Brexit đối với kinh tế Việt Nam là không nhiều. Song xét về phương diện thương mại đối với EU thì chúng ta đã có ký kết FTA và có thể những ảnh hưởng nếu có là các ký kết với Anh mà theo các điều khoản chung của EU trước đây. Do vậy, trong ngắn hạn có thể thấy rằng sự ảnh hưởng này chưa thực sự tác động. Nước Anh hậu Brexit cần phải có thời gian để xác định các quy tắc áp dụng cho vấn đề thương mại hai nước.
Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua của Anh đã có tác động không nhỏ đến thị trường tài chính toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Việc tác động rõ rệt nhưng mang yếu tố bất ngờ, bộc phát dẫn đến việc TTCK giảm sâu mất hơn 1 tỷ USD vốn hóa. Điều này có thể cho thấy thị trường vàng và TTCK chịu tác động lớn, trong đó tác động lớn nhất là TTCK trong ngày 24/6 đã sụt giảm rất sâu.
Cũng qua sự kiện này, sau khi thủ tục Brexit hoàn tất, nước Anh có thể sẽ đi theo hướng tự chủ hơn, độc lập hơn và không chịu sự ràng buộc bởi các nguyên tắc mà trước đây khi còn trong khối EU. Do vậy, họ sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư song phương với Việt Nam lớn hơn trong dài hạn, từ đó tạo nên bước đột phá về giao thương thương mại của hai nước.
Còn một điểm cần lưu ý về tác động ngắn hạn của Brexit trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đối diện với việc ổn định tỷ giá khi cần thiết. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bám sát các diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu để có những biện pháp xử lý kịp thời về vấn đề tỷ giá.
Xin trân trọng cảm ơn ông!