Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề nghị các địa phương không giảm biên chế giáo viên
Chính trị - Ngày đăng : 17:29, 26/10/2018
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình, làm rõ ý kiến của ĐBQH liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Lĩnh vực giáo dục-đào tạo luôn là vấn đề được cử tri quan tâm lớn, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiếp tục có nhiều thảo luận nhằm hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, cũng như cho ý kiến về vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của ĐBQH liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu: Giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, có những vấn đề phát hiện ra rồi nhưng cần sự chung tay khắc phục.
Về thi cử, Bộ trưởng cho biết, Bộ thực hiện theo Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, có thực hiện đổi mới thi cử có lộ trình, gắn với đổi mới sách giáo khoa, thực hiện một kỳ thi đánh giá được năng lực của học sinh THPT và là cơ sở để các trường đại học xét tuyển.
Cụ thể, với công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng, từng năm đều có cải thiện tốt hơn, khâu bảo mật được chú trọng. Việc tổ chức chấm thi, thanh tra qua các năm, mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội đã được chứng minh, người dân đón nhận. Về tính khách quan cũng đã khá rõ. Về trung thực thì cần khắc phục tối đa. “Năm vừa rồi có vấn đề chúng tôi đã xử lý, khi phát hiện sai phạm thì chúng tôi báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng, phối hợp với Bộ Công an làm rõ, sai đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy chế”, Bộ trưởng cho biết. Và hiện đã xử lý 11 người theo đúng quy định pháp luật và làm đúng quy chế với 151 em.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong quá trình xử lý, rà soát toàn bộ quy trình thi, chấm thi, “chúng tôi xét thấy quy trình đầy đủ nhưng khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần chuẩn bị tốt hơn”. Còn phần mềm và công nghệ thì “chúng tôi chưa lường hết, vẫn còn sơ hở, có người khai thác”. Chúng tôi đã xử lý, đã họp tất cả các Giám đốc Sở, trong Bộ cũng đã kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, rút kinh nghiệm...
Qua kỳ thi, Bộ rút kinh nghiệm rất sâu sắc, kiên định đổi mới thi cử, trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục ổn định kỳ thi, khắc phục những điểm cần thiết, Bộ trưởng cho biết.
Về sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết: Trước đây, Nghị quyết 40 của QH năm 2000 đã yêu cầu chỉ một bộ sách giáo khoa, theo Luật Xuất bản thì thực hiện giao cho Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, điều này có nhiều bất cập. Do đó, QH thống nhất khi đổi mới chương trình thì sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, giao Bộ chủ động xây dựng một bộ sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa khác. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các thầy cô chủ động trong phương pháp và phù hợp với các vùng miền. Tới đây, khi ban hành chương trình mới, sách giáo khoa phổ thông, cũng sẽ hạn chế việc vẽ, tô vào sách, tránh sự lãng phí, Bộ trưởng nói.
Về giáo viên, Bộ trưởng cho biết, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên, tuy nhiên, việc sử dụng giáo viên phân cấp cho các địa phương. Bộ trưởng đề nghị các địa phương không giảm biên chế giáo viên và Bộ cũng đã thống nhất với các bộ, ngành về biên chế giáo viên theo định mức học sinh của các lớp.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) phát biểu
Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) dẫn lại báo cáo của Chính phủ, trong đó có đánh giá chất lượng giáo dục đại học còn chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, sai phạm trong kỳ thi phổ thông quốc gia, vấn đề sách giáo khoa... gây ra bức xúc trong dư luận.
"Các thiếu sót này đa phần đã được nêu ra từ các báo cáo trước đây. Và đợt này cá biệt có một số vấn đề. Trong chín tháng vừa qua như một loạt vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 và tình trạng bất ổn trong thị trường phát hành sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, tuy nhiên theo tôi, những giải pháp này còn chưa có tính đột phá, vì vẫn gần giống như các giải pháp đã nêu từ kỳ họp trước," đại biểu Hiếu nói.
Đại biểu cho rằng cần phân tích chính xác nguyên nhân gây bất cập, thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành. Đơn cử như trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 đã được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng vẫn còn sơ hở trong bảo mật.
"Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong sơ hở này? Hay là lỗi khách quan, lỗi do quy trình?" đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị phải chỉ rõ ra cá nhân nào trực tiếp chịu trách nhiệm thì mới đề ra được biện pháp khắc phục hiệu quả, cũng như lấy được lòng tin của nhân dân.
Về vấn đề sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) đề nghị cả nước cùng dùng chung một bộ sách giáo khoa còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao cho những đối tượng cần thiết.
"Không nên một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa. Bởi nhiều là bao nhiêu, không khéo dễ bị lạm dụng. Điều này chỉ thích hợp với tương lai. Chúng ta cần hội nhập nhưng cũng cần giữ gìn bản sắc dân tộc bởi mỗi công dân Việt Nam là người Việt Nam,” đại biểu đề nghị.