ĐBQH băn khoăn vấn đề tinh giản biên chế và cách mạng công nghiệp 4.0
Chính trị - Ngày đăng : 15:46, 26/10/2018
Tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu
Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội sáng nay 26/10, nhiều đại biểu đánh giá chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại Nghị quyết TƯ6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri.
Thực tế thời gian qua thực hiện Nghị quyết 56, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp với quyết tâm chính trị, thái độ quyết liệt và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đã giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục, 65 đơn vị cấp cục, giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn biên chế công chức.
Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị quyết 56 của Quốc hội, các Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương, các đại biểu cho rằng còn không ít bất cập, hạn chế, khó khăn.
ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương) phát biểu tại hội trường
Phân tích cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch chưa thực sự mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương) dẫn số liệu năm 2017 là 64,68%, dự toán năm 2018 là 64,11%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%. Nguyên nhân chủ yếu làm tỷ lệ chi thường xuyên lớn, theo đại biểu, là do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều.
Theo tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, đầu mối tổ chức bộ máy và cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn làm chậm. Đáng chú ý, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy còn chậm.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ), do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng.
“Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học, ví dụ như việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước. Việc sáp nhập các phòng, ban, sở ngành một số tổ chức chính trị và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”, đại biểu Cao Đình Thưởng kiến nghị.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) đánh giá, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Theo đại biểu, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh. "Vậy còn đâu cho chi đầu tư phát triển," đại biểu băn khoăn.
Chuẩn bị nội lực thế nào cho cách mạng công nghiệp 4.0
Nhận định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018 tại Báo cáo của Chính phủ có khá nhiều “điểm sáng”, nhưng ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) chỉ ra một chi tiết cần chú ý là trong các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra: Dù nợ công giảm, nhưng nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có xu hướng tăng qua các năm. Qua chi tiết này, ĐB Phạm Trọng Nhân nhận định, dù rất nỗ lực, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào vốn và lao động. Trong điều kiện doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giảm cả về số lượng và quy mô vốn, khi thoái vốn ra bên ngoài các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tác động nhiều đến ngân sách. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực để làm chủ nền sản xuất cũng như hài hòa hơn tỷ lệ 70% xuất khẩu đang nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Xuất khẩu đang “nằm trong tay” FDI được dự báo thuận lợi lớn trong xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do mang lại.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận
Trong điều kiện những bất cập này của nền kinh tế được cơ cấu như thế nào vẫn là câu hỏi lớn, ĐB Phạm Trọng Nhân lại cho rằng, “thật may mắn” là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dường như đã đặt các quốc gia vào cùng “vạch xuất phát” trong quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước cơ hội rút ngắn khoảng các lạc hậu, vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, câu hỏi của ĐB Phạm Trọng Nhân là: Tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Thực tế, một lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ là một bộ phận dường như còn “dị ứng” với đổi mới, sáng tạo. Khi mà cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đến hồi kết, thì mới đây Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng giải ngoại hạng Anh ở Việt Nam, hay như khoản đầu tư 500 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ, dù nhiều cơ quan chức năng vào cuộc vẫn chưa tháo gỡ được. Những ví dụ này cho thấy, tâm thế chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 của nước ta.
“Mức độ xã hội đón nhận sáng tạo công nghệ, nhân tố quyết định tiến bộ là một bài học cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để lại vẫn còn nguyên giá trị”. Nhấn mạnh điều này, song ĐB Phạm Trọng Nhân chỉ rõ, bài học từ 200 năm trước để lại không phải ai cũng có thể thẩm thấu.
Trái với lạc quan ban đầu về khả năng, vị trí của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã xếp nước ta vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai. Về các yếu tố nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 70, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, và thứ 77 về năng lực sáng tạo. Trong khi các chỉ số này là một phần không thể thay thế cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mới đây nhất, Báo cáo diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đứng 95/140 quốc gia, trên Lào một bậc, kém Campuchia 3 bậc, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mọi nền kinh tế số.
Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, thì chỉ có 30% số cơ quan, đơn vị kinh tế - sự nghiệp sử dụng máy tính để điều hành, chỉ đạo quá trình làm việc; chỉ có 1-2% số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4. Điều đó cho thấy, “dù người đứng đầu Chính phủ nóng lòng hối thúc, tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử - một trong những yếu tố nền tảng để thực hiện cuộc cách mạng này, vẫn chậm; như thế thì làm thế nào để vượt lên chính mình và không bị bỏ lại phía sau”, ĐB Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi…Và từ tâm thế và nội lực như vậy, thì liệu thành tựu nào, hoặc một phần nào trong những thành tựu đó sẽ đóng mác sản xuất ở Việt Nam?
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, dù không bi quan thì cũng thật khó lạc quan, nhưng trong điều kiện thời cơ, thuận lợi trong kỷ nguyên số chia đều cho tất cả các quốc gia, thì một trong nhiều vấn đề đặt ra là phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng 4.0, xây dựng thể chế phù hợp để phát huy sáng tạo, phát triển đất nước...