Ngổn ngang bài toán thương hiệu Du lịch Việt

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:52, 19/04/2016

Phát triển thương hiệu trở thành yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của mỗi quốc gia, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này vẫn đang trong quá trình tìm kiếm...

Mục tiêu lớn của ngành du lịch đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu của du lịch Việt Nam từ 2011-2020 là đạt tốc đột tăng trưởng 11,5-12%/năm. Năm 2020 đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7% GDP của cả nước. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020. Để thực hiện được điều này, rất cần một sự thay đổi đột biến về tư duy trong chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Việt và một sự đầu tư mạnh mẽ, dài hơi.

Ngổn ngang bài toán thương hiệu Du lịch Việt

Mục tiêu của Du lịch Việt năm 2020 là đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế

Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: “Thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh. Ngành du lịch Việt Nam cũng đã xác định phát triển thương hiệu, trước hết là thương hiệu quốc gia, điểm đến quốc gia, vùng, địa phương, điểm đến, sản phẩm…”

Theo ông Lê  Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu; thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Ông Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phải thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, yêu cầu, các biện pháp phát triển thương hiệu; phải đánh giá, kiểm soát được hình ảnh thương hiệu; nhận thức về phát triển thương hiệu phải thống nhất; quản lý phát triển thương hiệu phải triển khai chuyên nghiệp, đồng bộ.

Trong khung kế hoạch hành động phát triển thương hiệu du lịch Việt từ nay đến năm 2020 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, việc đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử quảng bá thương hiệu đã được nhắc đến. Việc tập trung vào từng phân khúc thị trường như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ... cũng được đề ra. Cùng với đó là việc quảng bá thương hiệu du lịch tại các thị trường mục tiêu cũng như khuyến khích hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu vùng, địa phương.

Quảng bá thương hiệu còn thiếu điểm nhấn

Đánh giá về hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam hiện nay, ông Lê Quốc Vinh Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê - LeBros cho rằng việc quảng bá du lịch Việt đang mắc khá nhiều sai lầm. “Thứ nhất, du lịch Việt đang dùng một  phương thức quảng bá truyền thông cũ kỹ của những năm 80-90 thế kỷ trước và vẫn mải miết là theo phương thức đó. Thứ hai là quảng bá du lịch không trọng tâm. Thông điệp quảng bá chung chung, không rõ ràng, không có điểm nổi bật khác biệt so với các quốc gia khu vực và lân cận. Thứ ba là nội dung đang làm hời hợt, không đi vào giá trị cốt lõi mà du lịch Việt Nam có thể có”, ông Vinh nhận định.

Ngổn ngang bài toán thương hiệu Du lịch Việt

Du lịch Việt đang rất cần một điểm nhấn. Ảnh: Nguyễn Dương

Bộ nhận diện thương hiệu Du lịch của Việt Nam hiện tại là “Timeless Charm - Vẻ đẹp bất tận”. Tuy nhiên khá nhiều ý kiến chuyên gia nhận xét khẩu hiệu “Timeless Charm” tĩnh lặng và thiếu sức sống. Theo ông Lê Quốc Vinh, du lịch Việt cần phải tìm ra một giá trị cốt lõi chứ không phải là nhiều giá trị như đang mô tả và mỗi giai đoạn sẽ tập trung vào một thị trường cụ thể, một chiến dịch cụ thể chứ không nên dàn trải.

Nói về khẩu hiệu du lịch Việt Nam “Timeless Charm”, bà Tôn Nữ Thị Ninh từng nhận xét: “Một ví dụ rất thành công là khẩu hiệu chủ đạo của Malaysia là “Truly Asia - Châu Á đích thực”; Ấn Độ là “Incredible India - Ấn Độ huyền bí”. Vậy khẩu hiệu chủ đạo của Việt Nam từ “Hidden Charm -Vẻ đẹp tiềm ẩn” đến “Timeless Charm -Vẻ đẹp bất tận” liệu đã thực sự chạm đến cảm nhận của du khách”. Điều này cũng tương tự như nhận xét của ông Lê Quốc Vinh rằng thương hiệu du lịch Việt đang được định vị quanh lý lẽ chứ không phải cảm xúc.

Ông Colin Pine, Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng do địa hình Việt Nam trải dài khắp ba miền Bắc, Trung, Nam nên mỗi vùng miền có những nét khác biệt riêng độc đáo, đó chính là thế mạnh của du lịch Việt. Tuy nhiên, việc quảng bá tiếp thị vẫn chưa thực sự hiệu quả và có thể một phần là do ngân sách còn hạn chế. Theo ông Pine, việc tăng cường nhận biết và đẩy mạnh giá trị thương hiệu là vô cùng quan trọng. Thương hiệu cần tích hợp vào các hoạt động marketing thông qua các kênh công cụ và tiếp thị như tiếp thị trực tiếp, tiếp thị số hay các sự kiện và hoạt động kết nối trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch Việt, Phó Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nói, thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá; định vị ta ở đâu, là ai, đi đến đâu, có giá thế nào; thể hiện tính thương mại, tên tuổi của du lịch Việt Nam chỗ nào trong bối cảnh canh tranh toàn cầu. Theo đó,  ngành du lịch sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm thì mới có thể đạt được mục tiêu là đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm.

Trong ba tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.459.150 lượt, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015; lượng khách du lịch nội địa đạt 18,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 109.137 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2015. Đây là tín hiệu khả quan với ngành du lịch sau 13 tháng trầm lắng. Tuy nhiên, bài toán cho thương hiệu du lịch Việt đến giờ phút này vẫn còn đang khá ngổn ngang khi một thời gian dài công tác quảng bá vẫn chưa đạt được hiệu quả rõ rệt.

 

Lan Trần