Tin tức kinh tế ngày 7/1: Hơn 70 triệu thẻ ATM phải chuyển sang thẻ chip
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 18:36, 07/01/2016
Hơn 70 triệu thẻ ATM phải chuyển sang thẻ chip
Chậm nhất đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip
Tin tức kinh tế Tuổi trẻ cho hay, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử). Đó là nội dung của kế hoạch số 16 về việc chuyển đổi thẻ ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Theo đó, từ năm 2016 đến khi bộ tiêu chuẩn thẻ chip được ban hành (dự kiến 12 - 15 tháng), các đơn vị liên quan phải có kế hoạch chủ động, chuẩn bị nguồn lực cũng như các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi đạt kết quả tốt. Số liệu của Hội Thẻ ngân hàng VN cho biết đến nay VN có hơn 80 triệu thẻ, trong đó hơn 70 triệu là thẻ ghi nợ nội địa (ATM) và hầu hết là thẻ từ.
TP. HCM người nhận thưởng Tết cao nhất là 2 tỷ đồng
Báo cáo của TP. HCM về thưởng Tết cho thấy mức thưởng "khủng" này do một công ty có vốn đầu tư nước ngoài trả thưởng Tết Dương lịch cho người lao động. Theo báo cáo nhanh về tình hình thưởng tết năm 2016 của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP. HCM, tính đến ngày 5/1/2016, trong số hơn 1.200 doanh nghiệp đã có báo cáo về kế hoạch thưởng tết năm 2016, xuất hiện mức tiền thưởng "khủng" 2,028 tỷ đồng. Đây là mức tiền thưởng Tết Dương lịch cho một cá nhân thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đây cũng là khu vực có cá nhân được trả mức lương cao nhất, hơn 705 triệu đồng/tháng.
Giá điện tăng, doanh thu EVN vượt 233.000 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị tổng kết EVN, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết doanh thu của EVN năm 2015 đạt trên 233.000 tỷ đồng (trên 10 tỷ USD), tăng 18,5% so với năm trước, nhờ tăng sản lượng điện bán ra (tăng 11,4%), tổn thất điện năng giảm xuống còn 8%, giá bán điện bình quân tăng 12,5 đồng/kwh so với kế hoạch... Tuy nhiên, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân dù có giảm 35% so với năm trước vẫn là 2.110 phút/năm (tức khoảng 35 giờ). Số lần mất điện kéo dài bình quân là 12,85 lần/khách hàng/năm. EVN đặt mục tiêu đến năm 2020 thời gian mất điện bình quân của một khách hàng khoảng 400 phút/năm
Ôm nợ 'khủng', tòa nhà Keangnam Landmark 72 đổi chủ
Tin nhanh Tiền Phong dẫn thông tin từ tờ Thời báo kinh tế Hankyung của Hàn Quốc cho biết, AON Holdings - một tập đoàn tài chính của Hàn Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Landmark 72. Theo tờ báo này, ngày 16/12/2015, Samjong KPMG – đơn vị thu xếp bán nợ của dự án đã lựa chọn AON Holdings là đơn vị ưu tiên cho thương vụ này. Tổng số nợ Keangnam vay để xây dựng tòa tháp Landmark 72 vào năm 2012 là 600 tỷ won (tương đương 510 triệu USD). AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỷ won để mua lại khoản nợ này. Sau khi tiếp quản các khoản nợ, AON Holdings sẽ nắm quyền kiểm soát dự án này.
Đề xuất đưa sữa Ensure vào danh mục hàng cấm nhập khẩu
Tin mới VOV online cho biết, Cục Hải quan TP. HCM vừa đề xuất với Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính đưa mặt hàng sữa Ensure nhập khẩu có ghi “Not to be sold in Vietnam or Mexico”(không bán ở Việt Nam và Mexico) vào danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Theo Cục Hải quan TP. HCM, các chi cục hải quan trực thuộc đơn vị khi phát hiện mặt hàng sữa Ensure vi phạm nhập khẩu, nhưng lại vướng mắc trong việc xử lý. Bởi lẽ để xử phạt hành vi vi phạm, cơ quan Hải quan phải xác định mặt hàng nhập khẩu vi phạm các quy định: Nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện hay nhập khẩu hàng cấm, khi đó mới áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tái xuất) hay áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu hàng hóa vi phạm). Tuy nhiên, muốn xác định mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu phải căn cứ vào thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.